Đến giây phút này, anh Đàng Văn Thoại, cựu sinh viên của trường vẫn không thể tin được người thầy đáng kính đã ra đi.
Anh xúc động nói: “Thời tôi là thủ lĩnh sinh viên Đại học Bách Khoa, thầy là Phó Trưởng phòng Công tác chính trị. Thầy luôn đồng hành cùng với sinh viên trong các hoạt động của TP. Thầy có thể dành đồng lương của mình để cho sinh viên bữa cơm trưa khi tập văn nghệ. Không có chi phí khi tụi tôi đi công tác xa, thầy liền lén lấy tiền lương của mình nhét vào túi học trò. Bất kỳ sinh viên nào nghèo, thầy đều giúp đỡ. Thầy không giàu nhưng rất cao sang, sẵn sàng dùng đồng lương của mình cho các hoạt động của sinh viên”.
Thầy Võ Phổ (bìa phải) với những ký ức năm xưa đã từng gặp Bác Hồ. Ảnh: Thanh Vũ- TTXVN
“Thầy hay lắm. Thầy tuyệt vời lắm. Thầy đáng kính lắm”, đó là câu nói thường trực mà anh Thoại luôn nhắc tới khi nói về thầy Võ Phổ.
Thầy Võ Phổ là một nhà giáo rất đặc biệt. Thầy đứng dạy không cần micro vì giọng thầy vang lắm, không cần giáo án vẫn khiến học trò say mê. Có lẽ điều đó có được do vốn sống cũng như những trải nghiệm mà thầy đã trải qua trong thời chiến.
“Dù tụi tôi là dân kỹ thuật nhưng lại rất háo hức với những giờ dạy của thầy. Học thầy, tôi học được bản lĩnh của thanh niên, học được ý chí của cụ Hồ. Giờ dạy của thầy không nhàm chán, đầy những dẫn chứng từ thực tế, từ những câu chuyện mà thầy đã trải qua. Do đó, tôi và các bạn có thể lén vài giờ để được nghe thầy giảng lớp khác, đặc biệt là cán bộ đoàn”, anh Thoại nói.
“Thầy ra đi là một mất mát lớn. Thầy không giúp đỡ tôi về tiền bạc nhưng trái tim, cử chỉ, nhân cách, đạo đức của thầy đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi. Thầy thẳng tính, không biết dối lừa ai. Thầy đã truyền cho tôi nhân phẩm thà đói nhưng phải sạch, có mất lòng cũng phải nói thật. Cho đến thời điểm này, tôi vẫn sống như những gì đã hứa với thầy, không một lần giả dối, không lợi dụng ai và sống biết cách cho đi”, anh Thoại nói thêm.
“Trong suốt cuộc đời của mình, thầy Võ Phổ luôn dành tình yêu thương cho sinh viên. Thầy luôn giúp đỡ hết mình cho các bạn sinh viên nghèo”, một cựu sinh viên của trường Đại học Bách Khoa bày tỏ.
Chị nhớ lại: “Thầy luôn dùng tiền lương của mình để hỗ trợ cho sinh viên đóng học phí, đóng tiền phòng trọ. Đặc biệt khi làm ở văn phòng Đảng ủy, tôi thường nhờ thầy năm 1 đến 2 lần làm báo cáo viên đứng lớp cho các quần chúng ưu tú đi học lớp đối tượng Đảng. Những giờ học của thầy đều khiến mọi người thích thú qua những câu chuyện cụ thể. Không những thế, thầy cũng thường mua những phần quà nhỏ như áo mưa hay bút để tặng cho những quần chúng ưu tú có câu trả lời xuất sắc”.
Còn đối với bản thân mình, chị cho biết: “Thầy luôn giúp đỡ tôi trong công việc, đặc biệt là trong quá trình tôi kê khai lý lịch để vào Đảng, thầy đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Hiếm có người thầy nào nhiệt tình và tận tình đối với sinh viên như vậy”.
Nhắc đến nhà giáo Võ Phổ, thầy Lê Quang Khôi, giảng viên bộ môn giáo dục thể chất, Đại học Bách Khoa TP.HCM cho biết đó là một người sống có trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc và luôn thương mến sinh viên.
Nếu thấy sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thầy Phổ luôn sẵn sàng giúp đỡ bằng nhiều cách như sử dụng tiền túi của mình, hoặc giúp bằng ảnh hưởng của thầy với quyền lợi và tiêu chuẩn của sinh viên.
Thầy Phổ dạy rất hay. Điều đó có được do thầy có sự từng trải trong cuộc chiến vì thế những dẫn chứng thầy đưa vào bài giảng rất sinh động, cuốn hút. Do đó, sinh viên đều rất thích giờ dạy của thầy.
“Đối với tôi, thầy Phổ thương tôi lắm vì tôi nhỏ tuổi hơn thầy. Mặt khác, hồi đó tôi chuyển công tác từ nơi khác về nên cũng được thầy quan tâm. Tôi vẫn nhớ mãi, Tết năm tôi mới về không được nhận quà của Công đoàn trường do chưa đủ năm công tác. Thế nhưng, thầy Võ Phổ đã chia cho tôi một nửa phần quà của thầy. Điều đó khiến tôi rất cảm động”, thầy Khôi nhớ lại.
Thầy Khôi chia sẻ thêm, thầy Phổ là một người rất chan hòa và thân thiện. Thầy có quan điểm rất rõ ràng về chính trị cũng như về lối sống, đạo đức đáng để sinh viên học tập.
“Thầy là người dám nói, dám đấu tranh và rất cương trực. Vì quyền lợi của sinh viên, thầy luôn đấu tranh đến trùng và không ngại đụng chạm. Thầy mất đi để lại nhiều luyến tiếc trong lòng nhiều người. Riêng tôi, thầy là người tôi luôn ngưỡng mộ”, thầy Khôi bày tỏ.
Bốn lần được gặp Bác Hồ Sinh ra ở vùng đất Hòa Vang, Quảng Nam, cậu bé Võ Phổ (1951-2020) tham gia vào đội du kích khi mới 13 tuổi. 13 tuổi, Phổ đã biết cầm súng đi theo các anh và rất nhanh, biết tự tổ chức những trận phục kích. 15 tuổi, cái tên Võ Phổ đã nổ dung khắp các đội du kích trong vùng. Làm du kích hơn ba năm, ông 12 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Chuyến đi xa quê mẹ của ông bắt đầu năm 1967. Cùng đoàn dũng sĩ diệt Mỹ, đôi chân bị găm 11 mảnh đạn chưa kịp lành của ông đã vượt Trường Sơn suốt ba tháng ngược ra miền Bắc. Trong cuộc đời mình, ông đã bốn lần được gặp Bác Hồ. Sau khi hai miền thống nhất, ông theo học ngành triết học tại Đại học Tổng hợp TP.HCM, ra trường năm 1980, ông được phân công giảng dạy ở trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), rồi trường Đại học Công nghệ Sài Gòn. |