Nhiều trăn trở cho 'nghề' tài xế công nghệ

Nhiều người lao động hiện nay lựa chọn con đường làm tài xế công nghệ (TXCN) để kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Làm thêm để nuôi nghề chính

Kể về công việc hiện tại của mình, anh Nguyễn Thành Công (nhân viên một ngân hàng) kể anh từng là sinh viên của một trường có tiếng ở TP.HCM, ra trường với bằng tốt nghiệp loại khá. Anh xin vào làm nhân viên tại một ngân hàng với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Với số tiền ấy, anh chỉ đủ trang trải cho cuộc sống bản thân. Thấy mấy đứa bạn rủ nhau chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm tiền và anh cũng làm theo.

“Ban đầu tôi cũng ngần ngại không dám làm, sợ có người phát hiện, ba mẹ tôi biết thì lại buồn. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại, nếu không làm thêm thì không có tiền gửi về quê lại bất hiếu hơn nên thôi tôi làm. Chiều đến giờ tan ca, tôi mở app chạy đến 23 giờ. Càng làm càng ham vì thu nhập được tăng lên nhiều, nên giờ tôi chẳng còn quan trọng xã hội nghĩ gì. Cái chính là tôi có tiền lo cho gia đình và tiếp tục theo đuổi đam mê của mình mà không bận tâm về tài chính” - anh Công chia sẻ.

Xã hội nên có cái nhìn thoáng hơn

Nghề nào cũng là nghề cao quý miễn sao mang lại lợi ích cho xã hội và không vi phạm pháp luật. Thế nhưng đâu đó có người vẫn thành kiến nghề TXCN và chưa công nhận đây là một nghề.

Tài xế công nghệ hiện nay cần được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp hơn.

Theo TS Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cao cấp về kỹ năng thực hành xã hội của Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Thái Bình Dương, phân tích: Đa phần tâm lý của các bậc cha mẹ luôn mong những điều tốt đẹp nhất cho con mình, và cho dù họ có cực khổ đến đâu hay làm bất cứ công việc gì đi chăng nữa nhưng với con thì họ không muốn con mình thua thiệt bạn bè. Vì thế, việc không thể chấp nhận việc con mình học là kỹ sư, cử nhân… mà đi làm TXCN là một điều dễ hiểu. Thế nhưng họ quên một điều rằng vì sao con mình chọn như thế và có hạnh phúc với lựa chọn của mình không.

“Tôi có một điều lưu ý với các bạn trẻ hiện nay là dù các bạn đang làm công việc gì đi chăng nữa thì cũng đừng quên rằng khát khao của các bạn là gì và mục đích của các bạn hướng tới là ở đâu. Chúng ta đừng bằng lòng quá sớm, chọn nghề TXCN hãy xem là một thử thách để chúng ta hướng tới một sự nghiệp cao hơn” - TS Lê Thành Nhân chia sẻ.

 Tài xế công nghệ cần được bảo vệ theo luật lao động

Bàn về khía cạnh pháp lý đối với quyền lợi của TXCN trong luật lao động, Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: TXCN được xem là một bên trong hợp đồng dịch vụ, tức quyền và nghĩa vụ thể hiện trong hợp đồng họ là một bên cung cấp dịch vụ và được hưởng những khoản thu nhập do các hãng chi trả. Tuy nhiên, hiện nay các chế độ khác gần như là không có gì cả.

TXCN chưa được xem xét trong quan hệ là người lao động và người sử dụng lao động nên những quyền lợi của họ hiện nay còn đang bỏ ngỏ

Theo Bộ luật Lao động định nghĩa thì “Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động”. Và khi đã là người lao động thì họ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổng các khoản phải nộp này là 32%, trong đó người sử dụng lao động nộp là 21,5%, còn người lao động là 10,5%. Việc tham gia các loại bảo hiểm trên nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động.

“Tuy nhiên, như đã phân tích trên thì TXCN chưa được xem xét trong quan hệ là người lao động và người sử dụng lao động nên những quyền lợi nêu trên của họ hiện nay còn đang bỏ ngỏ. Do vậy, việc tham gia vào đội ngũ này có lẽ chỉ mang tính tạm thời” - luật sư Hoan cho biết.

Hãng xe nỗ lực để tài xế công nghệ thành một nghề

Đầu năm 2020, các TXCN tại bang California (Hoa Kỳ) có khả năng sẽ được đối xử như nhân viên của các hãng Lyft, Uber khi luật AB5 được thông qua. Dường như nắm được xu hướng này, ứng dụng gọi xe be đã có những lộ trình tương tự để công nhận nghề TXCN. Bước đầu chính là thỏa thuận hợp tác cùng Bộ LĐ-TB&XH (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) trong việc tổ chức cuộc thi Tay lái vàng nhằm tìm kiếm, đào tạo và tôn vinh TXCN. Nổi bật là khóa huấn luyện TXCN chuyên nghiệp với kiến thức, kỹ năng bài bản. 

"Nếu tài xế được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, coi trọng nghề nghiệp của mình, họ sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ với khách hàng. Bản thân khách hàng cũng có cái nhìn thiện cảm hơn, từ đó thay đổi định kiến với nghề tài xế công nghệ" - ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group, chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm