Nhìn, viết từ trái tim

Ông là tác giả cuốn truyện cực kỳ thơ mộng Hoàng tử bé - tác phẩm đã dịch ra hàng trăm ngôn ngữ và tái bản không biết bao nhiêu lần trong hơn 70 năm qua. Ông đề tặng cuốn truyện này cho một người bạn thân đang chịu nhiều khốn khổ ở nước Pháp bấy giờ bị phát xít Đức chiếm đóng. Lời đề tặng khá lạ. Ban đầu ông đề: “Tặng Léon Werth”. Sau đó ông viết câu xin lỗi các bạn đọc nhỏ tuổi của cuốn truyện vì đã đề tặng cho một người lớn. Ông chữa lại: “Tặng Léon Werth thời anh còn là trẻ con”. Saint - Ex cho rằng chỉ có tâm hồn trong sáng của trẻ con mới cảm nhận được hết cái đẹp hồn nhiên của các nhân vật trong tác phẩm này. Saint - Ex viết không nhiều nhưng với những tác phẩm như những áng thơ bằng văn xuôi để lại sau 70 năm rời bỏ thế giới này (ông mất năm 1944 trong một tai nạn máy bay do ông lái bị rơi xuống biển) - nhất là cuốnHoàng tử bé - vẫn còn hấp dẫn với thế hệ trẻ hôm nay và có lẽ cả mai sau nữa. Bởi ông viết từ trái tim của một nghệ sĩ đích thực.

Nhạc sĩ Văn Cao, một nghệ sĩ lớn của Việt Nam, trong cuộc trò chuyện với người dẫn một chương trình âm nhạc được phát trên truyền hình, khi ông gần bước sang tuổi 70, đã nói đại ý: Ông là người không khéo nói chuyện nên bao chuyện ông nghĩ trong đầu, chất chứa trong tim, thay vì nói, ông đã viết cả trong tác phẩm. Hầu như tất cả nhạc phẩm của ông từ thời kỳ đầu lãng mạn:Buồn tàn thu,Thu cô liêu, Thiên thai, Trương Chi, Suối mơ, Bến xuân… đến Bắc Sơn, Trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội... viết trong kháng chiến chống Pháp đều đi vào lòng người bao thế hệ. Đặc biệt bài Tiến quân ca - sau trở thành quốc ca - đã được ông viết chỉ trong một đêm vào năm 1944. Bởi vì người nhạc sĩ tài hoa ấy chỉ viết từ trái tim. Rồi ông ngừng viết nhạc đến 20 năm. Và mãi sau ngày đất nước thống nhất, Văn Cao mới viết bài Mùa xuân đầu tiên. Nhưng thật lạ lùng là số phận bài hát này khá hẩm hiu, mãi mười mấy năm sau mới được phổ biến rộng rãi. Ngoài là một nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc Việt Nam, Văn Cao còn là một thi sĩ, một họa sĩ tài hoa. Bài thơ nổi tiếng Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc ông viết năm 1945 tả cảnh xe đi gom xác người chết đói rợn người: “Ngả tư nghiêng nghiêng xe xác.../ Ai vạc xương đổ xác xuống lòng xe/ Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề...” đã gây biết bao xúc động. Trong hơn 20 năm gần như không viết nhạc, Văn Cao làm thơ, vẽ tranh. Ông làm thơ không nhiều nhưng được coi là một khuôn mặt cách tân của thơ Việt. Tất cả được người nghệ sĩ lớn của thời đại viết bằng trái tim đầy xúc cảm.

Lại nhớ đến một trường hợp tương tự thú vị là nhà thơ Nguyên Sa giai đoạn 1954-1975. Năm 1971, trong một cuộc phỏng vấn, bất ngờ phóng viên một tờ tuần báo hỏi: “Tại sao ông làm thơ? Ông được coi như “vua thơ tình” thời hậu chiến ở miền Nam sau Xuân Diệu tiền chiến, ông làm thơ hay có dễ không?”. Tác giả những bài thơ tình nổi tiếngÁo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em... đã nói: “Tớ làm thơ vì tớ...  xấu trai, tớ lại không biết nói chuyện. Còn làm thơ hay hả? Dễ lắm, như một đường gươm bén. Làm thơ dở mệt lắm, giống như đi cày”.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm