Am nhạc sau bao năm thu mình trong bóng tối nay đã từng bước trở lại với người bệnh, phần vì thầy thuốc càng lúc càng lúng túng với thuốc, nói đúng hơn, với phản ứng phụ khó lường của nhiều loại thuốc trước đây đã là niềm hãnh diện của ngành y, phần nhờ nhiều công trình nghiên cứu đã góp phần xác minh giá trị của âm nhạc trên lộ trình phục vụ sức khỏe con người.
Tình tang không chỉ tang tình
Các nhà nghiên cứu thuộc nhóm “không nhạc không về” đã chứng minh là âm nhạc
• Gia tốc tiến trình hồi phục của nội tạng bị thương tổn, đặc biệt là ở não bộ, lá gan và trái thận.
• Tăng cường hoạt tính và hiệu năng của sức kháng bệnh, cụ thể là khả năng truy tầm bệnh nguyên của thực bào và vận tốc tổng hợp kháng thể của hệ miễn nhiễm.
• Điều hòa nhịp tim và ổn định huyết áp.
• An thần, giảm đau và chống co thắt cơ trơn.
• Chống trầm uất và giúp người bệnh tìm lại tự tin cũng như tính năng động.
Nghe nhạc để chữa bệnh cần tránh nhạc có lời vì có khi nhạc hay nhưng lời lại phản cảm với người nghe.
Du dương cho đời vẫn dễ thương
Biết cách ứng dụng âm nhạc có thể giảm nhiều thứ thuốc, nghĩa là bớt phản ứng phụ, có thể thu ngắn liệu trình, nghĩa là giảm chi phí điều trị và quan trọng hơn nữa, tăng cường hiệu năng của liệu pháp. Không lạ gì khi ở nhiều nước tiên tiến, âm nhạc đã được đưa vào
• Phòng đợi để bệnh nhân bớt căng thẳng trong khi chờ gặp thầy thuốc.
• Phòng mổ để giảm thuốc gây mê vì bệnh nhân ít đau dù bị xẻ thịt.
• Phòng răng để bệnh nhân vẫn có thể hàn huyên cùng nha sĩ.
• Phòng sanh để sản phụ đập bầu mà vẫn tươi cười lúc đi biển một mình.
• Phòng hòa giải hôn nhân để đôi bên còn có lúc nghĩ lại.
• Phòng tư vấn tâm lý để bệnh nhân bắt trớn mà giãi bày tâm sự.
• Nhà dưỡng lão để trì hoãn vận tốc của bệnh Alzheimer.
• Chuyến bay lúc sắp cất cánh hay hạ cánh để hành khách khỏi có gương mặt mang màu xanh lá.
• Nông trại để gà mái đẻ thêm ít trứng mà không phàn nàn.
• Nhà vườn để cây vẫn cho trái trong mùa đông.
• Ngã tư đường để khách qua đường đừng quá căng thẳng trong lúc đợi đèn xanh.
• Và nhiều nữa…
Strunz, thầy thuốc nổi tiếng ở Đức vì mạnh dạn cổ động cho biện pháp phòng bệnh bằng cách trở về với thiên nhiên, đã không ngừng khuyến khích người bệnh
• Thư giãn hoàn toàn và chọn bản nhạc nào ưa thích nhất để bình tâm thưởng thức 15 phút mỗi ngày như một hình thức thiền định.
• Tránh nhạc có lời vì có khi nhạc hay nhưng lời lại phản cảm với người nghe.
• Không nhất thiết phải là trường ca cổ điển thính phòng nhưng nên tránh loại nhạc chỉ nghe có tiếng gào, tiếng trống hầu tránh cảnh thần kinh thính giác tức nước vỡ bờ.
• Tránh các âm thanh khác pha trộn trong lúc nghe nhạc sao cho chỉ còn có ta với mình.
• Ưu tiên cho bản nhạc nào có nhịp đừng nhanh hơn nhịp tim của người nghe.
• Đừng nghe nhạc trong lúc phải suy nghĩ về một quyết định quan trọng.
Buồn trước vui sau
Cũng theo Strunz, tác giả của sách y học thuộc nhóm bestseller, quan trọng hàng đầu là chọn bản nhạc buồn. Các nhà nghiên cứu về bệnh do stress ở Nhật đã quả quyết là ứa nước mắt khi thưởng thức giai điệu gắn liền với ký ức xa xưa là động cơ khiến các nội tiết tố giúp mài nhọn sức đề kháng, tăng số lượng kháng thể, hưng phấn tiến trình phục hồi… đều đồng loạt được đánh thức. Nhờ buồn trong khoảnh khắc rồi sau đó yêu đời, yêu người và nhất là yêu cả chính mình với quyết tâm không chịu ngã gục vì năm ba thứ bệnh hoạn lẻ tẻ, còn gì khéo hơn, còn gì đúng hơn với quy luật âm dương khi chọn ngay món tương khắc làm đòn bẩy để tương sinh.
Nếu bàn thêm cho có vẻ khoa học thì tiếng trầm bổng thanh tao của điệu nhạc chẳng qua là phản ánh của nhịp sinh học trong thế giới nội tại, là nhịp cầu để tái lập nét hài hòa giữa con người và ngoại cảnh. Quả là hay nếu uống thuốc hết bệnh. Nhưng tại sao lại không phòng bệnh, không chữa bệnh khi dân mình có sẵn quá nhiều “thầy thuốc” giỏi, những con người tuyệt vời mang tên Đặng Thế Phong, Văn Cao, Trịnh Công Sơn..., những nghệ sĩ thừa sức đẩy lùi nhiều căn bệnh nhờ âm thanh giữ mãi trong lòng người. Thuốc nào hay cho bằng điệu nhạc vượt thời gian!
Buồn nào hơn bệnh ung thư?! Với sự hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân, Phòng khám Đa khoa Eurovie đã khởi động mô hình “Tư vấn sức khỏe miễn phí với BS Lương Lễ Hoàng” cho 1.000 lượt bệnh nhân hậu ung thư từ ngày 1-1 đến ngày 30-6. Đối tượng muốn tham gia chương trình này cần lấy hẹn trước qua số điện thoại 22110207 hay 0942 001 398 trong giờ hành chính. |