Những bà nội trợ đam mê hiến máu cứu người

(PLO)-  Nhiều người dân hăng hái hiến những giọt máu quý giá của mình, góp phần quan trọng giúp ngành y tế cứu sống nhiều người bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại TP.HCM, có những bà nội trợ luôn giữ lửa đam mê tình nguyện hiến máu để cứu sống nhiều người bệnh. Có người hiến máu từ khi còn trẻ, đến nay đã được 31 lần. Cũng có người nay đã gần 60 tuổi nhưng vẫn luôn miệt mài hiến máu với thành tích “đáng gờm” - 74 lần hiến.

Không có điều kiện… nhưng muốn giúp người

Có mặt tại hội nghị tổng kết công tác hiến máu tình nguyện năm 2022, sáng 4-1, bà Trần Thị Hồng Nhung (58 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) là một trong 17 người được tuyên dương hiến máu tình nguyện trên 70 lần.

Bà Nhung làm công việc nội trợ, tham gia hiến máu tình nguyện từ năm 30 tuổi. Nhớ về những lần đầu hiến máu, bà kể một ngày nọ khi đang đi trên đường, tình cờ thấy nhiều người tập trung hiến máu nên cũng tò mò vào hiến chung. Sau này tại phường bà Nhung sống có những phong trào vận động người dân hiến máu, bà nhiệt tình tham gia từ đó.

Bà Trần Thị Hồng Nhung (thứ hai từ phải sang) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bà Trần Thị Hồng Nhung (thứ hai từ phải sang) nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì có thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Trước kia còn trẻ tôi hiến mỗi năm năm lần, giờ lớn tuổi rồi nên chỉ hiến ba lần/năm. Tôi ăn chay trường, cảm thấy hiến máu giúp mình khỏe hơn. Từ xưa tôi luôn muốn giúp đỡ người khác nhưng vì không có điều kiện nên tôi chọn cách hiến máu, cũng là cứu người, giúp người.

Không ngờ được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Tôi chỉ mong các bệnh viện (BV) sẽ có đủ máu để chữa trị cho bệnh nhân, giúp họ giữ lại mạng sống” - bà Nhung trải lòng.

Cũng là một bà nội trợ, bà Dương Thị Nhật (43 tuổi, ngụ quận Bình Tân) vốn là thành viên của Câu lạc bộ Máu Hiếm (Trung tâm hiến máu nhân đạo - Hội Chữ thập đỏ TP.HCM). Đều đặn hằng năm bà đều tham gia hiến máu tại trung tâm hoặc được điều động trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu khẩn hoặc tiếp máu cho những sản phụ sinh con tại các BV phụ sản. Bà Nhật hiến máu từ năm 27 tuổi, đến nay đã được 31 lần.

Kể về lần đầu hiến máu, bà Nhật cho biết mình rất ấn tượng với hai chữ “nhân đạo” nhưng vì không có điều kiện kinh tế mà rất muốn làm việc thiện nên quyết định tham gia hiến máu.

Sinh viên hăng hái tham gia hiến máu tại lễ phát động chiến dịch hiến máu “Lễ hội xuân hồng” 2023. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Sinh viên hăng hái tham gia hiến máu tại lễ phát động chiến dịch hiến máu
“Lễ hội xuân hồng” 2023. Ảnh:
THẢO PHƯƠNG

Khi nghe bác sĩ nói máu không thể sản xuất được mà người bệnh chỉ có thể nhận từ nguồn máu hiến tặng, bà Nhật càng nhiệt tình tham gia. Biết mình mang nhóm máu B-, là nhóm máu cực hiếm, bà càng sẵn sàng có mặt khi được điều động.

“Dù không biết người được nhận máu là ai nhưng tôi luôn hạnh phúc, vui vẻ vì những giọt máu của mình đang đi cứu sống những người bệnh khắp mọi nơi” - bà Nhật bày tỏ và bật mí vẫn tiếp tục tham gia cho đến khi hết tuổi hiến máu.

Thời gian qua, công tác hiến máu tình nguyện trên địa bàn TP ngày càng phát triển. Tỉ lệ người dân hiến máu của năm sau luôn cao hơn nhiều so với năm trước.

Để công tác hiến máu tiếp tục phát triển mạnh, các sở, ban ngành TP tiếp tục tăng cường phối hợp với BV trong công tác tổ chức hiến máu; xây dựng kế hoạch truyền thông, tuyên truyền hiệu quả, khắc phục những hạn chế không đáng có; tôn vinh người hiến máu có thành tích đặc sắc; chú trọng tiếp nhận và quản lý máu đúng kỹ thuật.

Ông DƯƠNG ANH ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện

Sáng tạo trong mô hình vận động hiến máu

Tại hội nghị, bà Lê Thị Vịnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Gò Vấp, chia sẻ những phương pháp vận động hiến máu nhân đạo tại địa phương.

“Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện quận chúng tôi luôn xác định phương pháp tuyên truyền, vận động hiến máu có tác động rất lớn đến “Nghe - thấy - hiểu - hành động” của mỗi người dân. Vì vậy, trước mỗi lượt tổ chức hiến máu ít nhất hai tuần, UBND các phường luôn treo, đặt băng rôn ở vị trí thuận lợi, dễ quan sát.

Đặc biệt, hội đã thành lập trang Zalo “Hội Chữ thập đỏ quận Gò Vấp” để giới thiệu, hướng dẫn sử dụng app giotmauvang.org.vn thuận lợi, tiết kiệm thời gian khi chọn điểm hiến máu tình nguyện. Trang Zalo này cũng đăng tải lịch hiến máu nhân đạo trên địa bàn quận, thông báo cho nhiều người cùng biết.

Cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ quận cũng thành lập điểm hiến máu cố định tại Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, tiếp nhận hiến máu một lượt/tháng, trung bình 120-150 ca hiến/lượt.

Cũng tại lễ tổng kết, đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ công tác tổ chức hoạt động hiến máu tình nguyện tại trường khi tiếp nhận lượng lớn sinh viên, giảng viên cùng lúc. “Sinh viên của trường tham gia hiến máu chỉ mất 30-45 phút cho quy trình gồm kiểm tra huyết áp, thăm khám chuyên sâu từ bác sĩ, cho máu và nghỉ ngơi trước khi ra về mà không cần phải chen lấn và chờ đợi quá lâu cho từng khâu” - vị đại diện cho biết.

Nhờ đó, sau năm năm tổ chức, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã vận động hơn 22.000 lượt sinh viên, giảng viên tham gia và nhận về hơn 26.000 đơn vị máu.

Phát động chiến dịch hiến máu “Lễ hội xuân hồng”

Cũng trong sáng 4-1, chiến dịch hiến máu dịp tết Nguyên đán “Lễ hội xuân hồng” 2023 được phát động. Chiến dịch góp phần quan trọng vào việc thay đổi quan niệm, tạo dựng thói quen tích cực của người dân về việc hiến máu đầu xuân. Đồng thời giúp cung cấp lượng máu lớn, an toàn, phục vụ kịp thời công tác cấp cứu và điều trị, khắc phục được tình trạng khan hiếm máu trong dịp tết.

Trải qua 15 năm, “Lễ hội xuân hồng” đã thu hút hàng trăm ngàn người tham dự và tiếp nhận gần 100.000 đơn vị máu. Chiến dịch được thực hiện từ ngày 15-12-2022 đến 28-2-2023. Chỉ tiêu phấn đấu là 44.000 túi máu (hoặc theo nhu cầu máu thực tế của TP).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm