Hồi đầu tháng 3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại về nguồn cung trang thiết bị bảo hộ cá nhân và hối thúc các quốc gia bảo vệ nhân viên y tế ở tuyến đầu trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19, theo hãng tin Reuters.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh nếu muốn thắng được đại dịch, phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe những nhân viên y tế tuyến đầu. “Nếu chúng ta không bảo vệ họ, rất nhiều người sẽ chết vì bệnh dịch bởi những người có thể cứu người giờ đây cũng đổ bệnh” - ông Ghebreyesus nêu rõ.
Nhân viên y tế dễ bị lây nhiễm
Nếu bác sĩ là những người lính trên tuyến đầu chống dịch bệnh thì trang thiết bị y tế chính là vũ khí của họ. Tuy nhiên, khi số ca bệnh tăng vọt, việc thiếu thiết bị y tế phòng hộ là thực trạng chung mà ngành y tế nhiều quốc gia đang phải đối mặt, ngay cả ở quốc gia phát triển như Mỹ.
Theo ghi nhận của đài ABC News, nhiều nhân viên y tế ở Mỹ, Pháp, Ý, Tây Ban Nha cho biết phải tái sử dụng các loại khẩu trang, găng tay, mặt nạ phòng độc. Việc thiếu máy thở ở tâm dịch Lombardy (Ý) và New York (Mỹ) khiến các bác sĩ bất lực nhìn bệnh nhân của mình ra đi. Các nhân viên y tế nhiều người còn phải tự tạo ra các sản phẩm để tự bảo vệ bản thân. Nguy cơ lây nhiễm thì nhiều nhưng lại không có đầy đủ các trang thiết bị, dẫn đến khả năng bác sĩ dễ bị nhiễm bệnh hơn.
Nhà chức trách Tây Ban Nha mới đây cho biết số nhân viên y tế nước này nhiễm COVID-19 đã vượt mốc 12.000 người, chiếm tỉ lệ 14% trong tổng số ca nhiễm tại Tây Ban Nha đến nay đã hơn 85.000 ca. Trong khi ở Ý, số nhân viên y tế nhiễm bệnh là gần 8.400 ca (công bố ngày 29-3 và có khả năng đã cao hơn vào thời điểm hiện tại).
Trong khi đó, Hiệp hội Y khoa Philippines ngày 29-3 cho biết có chín bác sĩ tại nước này tử vong vì COVID-19 do không được trang bị bảo hộ đầy đủ. Nước này cũng đang phải đối mặt với hàng trăm nhân viên y tế đang tự cách ly trong vòng 14 ngày do có nguy cơ nhiễm, theo thông báo của các bệnh viện. Trước đó, Trung Quốc ghi nhận 3.300 ca nhiễm COVID-19 là nhân viên y tế với 13 người tử vong.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ chuẩn bị bước vào khu cách ly một bệnh viện ở bang Washington, Mỹ ngày 26-3. Ảnh: CNBC
Bài học quan trọng
Trong bối cảnh không mấy tích cực của ngành y thế giới, chiến lược chống dịch của Singapore là một thành công đáng chú ý. Nước này ghi nhận 879 ca nhiễm COVID-19 tính đến tối 30-3 nhưng chỉ có vài chục nhân viên y tế bị nhiễm. Bộ Y tế Singapore còn nhấn mạnh các trường hợp y, bác sĩ nhiễm virus này đều xảy ra bên ngoài, không phải trong bệnh viện, theo tờ South China Morning Post.
Được biết, ngay khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, các bệnh viện tại Singapore đã yêu cầu nhân viên ngừng kế hoạch du lịch hoặc nghỉ việc để đảm bảo nguồn nhân lực. Sau đó, các cơ sở này chia nhân viên thành nhiều nhóm để đảm bảo chất lượng và y, bác sĩ có thời gian nghỉ ngơi. Đơn cử, các bác sĩ tại BV đa khoa Singapore được chia thành nhóm 21 người, mỗi nhóm thực hiện ca trực 12 tiếng đồng hồ và không giao tiếp với nhóm khác để tránh lây lan dịch bệnh.
“Mục tiêu là phải đảm bảo vận hành các dịch vụ thiết yếu ở mức độ an ninh tối đa. Cần đảm bảo các đơn vị chức năng có nguồn lực dự phòng và nhân viên y tế cần được tách riêng ra. Điều đó tùy thuộc vào quyết định của lãnh đạo để vận hành trong trường hợp một nhóm bị nhiễm bệnh, tính toán các yếu tố như thời gian nghỉ, xoay vòng” - BS Chia Shi Lu thuộc BV đa khoa Singapore giải thích.
Singapore cũng cố gắng phân bổ đều lượng bệnh nhân cho lực lượng y tế để tránh các bác sĩ bị quá tải. Hiện nước này có tất cả 13.766 bác sĩ, trung bình 2,4 bác sĩ cho 1.000 dân. Tỉ lệ này ở Mỹ là 2,59/1.000 dân, ở Trung Quốc là 1,78/1.000, ở Đức là 4,2/1.000... Các nước như Myanmar, Thái Lan thì có ít hơn 1 bác sĩ/1.000 dân. Đây là điểm mấu chốt vì không phải quốc gia nào cũng chuẩn bị kỹ như Singapore.
Tính đến 21 giờ ngày 30-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn cầu có 34.769 người tử vong vì COVID-19, 730.665 ca nhiễm. Đại dịch đã lan ra hơn 199 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, 153.231 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị thành công. |
Theo báo cáo của Tập đoàn Economist Intelligence Unit hồi đầu tháng 3 về chỉ số an ninh y tế, khoảng 70% trong tổng số 195 quốc gia có điểm rất thấp trong hạng mục chuẩn bị để đương đầu với một dịch bệnh hoặc đại dịch. Đơn cử, ở Ấn Độ, nước này có dân số hơn 1,3 tỉ nhưng lại chỉ có khoảng 20.000 bác sĩ được đào tạo bài bản về chăm sóc đặc biệt, y tế khẩn cấp và chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp.
Tại một số quốc gia khác, việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân viên y tế chống dịch cũng được quan tâm nhưng điều kiện và nguồn lực không cho phép các nước này thực hiện biện pháp triệt để như Singapore, ngoài các yếu tố tâm lý như chủ quan.
Ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã ban hành một số hướng dẫn liên quan tới COVID-19, trong đó nêu rõ một nhân viên y tế khi biết bản thân “đã tiếp xúc gần với một bệnh nhân” nên “được chăm sóc thêm để theo dõi sức khỏe nhưng vẫn có thể tiếp tục làm việc”. CDC cũng cho rằng không cần cách ly 14 ngày với các nhân viên y tế trong trường hợp như vậy.
Một số chuyên gia y tế cho rằng lời khuyên trên có nguy cơ làm gia tăng sự lây lan dịch bệnh bên trong các bệnh viện. Tuy nhiên, phát ngôn viên của cơ quan y tế ở tâm dịch New York hồi tuần trước cho biết đây là biện pháp duy nhất để duy trì đủ nhân sự chống dịch.
Còn tại Ý, nhà chức trách dù không thể đưa thêm được những biện pháp mạnh tay hơn để bảo vệ lực lượng y tế đang chống dịch do thiếu hụt nhân lực trầm trọng nhưng vẫn có các động thái hỗ trợ. Trong số này, các nhân viên y tế khi nghi ngờ nhiễm COVID-19 sẽ được ưu tiên xét nghiệm trước vì nếu không chính y, bác sĩ sẽ là nguồn lây bệnh cho những bệnh nhân khác.
Trang thiết bị y tế Trung Quốc liên tục có lỗi Tờ The Daily Inquirer ngày 30-3 đưa tin Philippines sẽ không sử dụng một số bộ xét nghiệm COVID-19 do Trung Quốc viện trợ vì thiếu chính xác. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết các bộ xét nghiệm chỉ cho độ chính xác khoảng 40% so với các bộ xét nghiệm của WHO. Dù vậy, Philippines không nói rõ bao nhiêu bộ xét nghiệm cho kết quả thiếu chính xác. Cùng ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã bác bỏ thông tin này. Tại Hà Lan, cơ quan chức năng vừa thu hồi hàng loạt khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc đã được phân phối đến các bệnh viện để đối phó dịch COVID-19 sau khi cho rằng sản phẩm này không đảm bảo chất lượng, theo hãng tin AFP. Quyết định thu hồi liên quan đến gần phân nửa trong lô hàng 1,3 triệu khẩu trang FFP2, trong đó 600.000 khẩu trang đã được chuyển đến các bệnh viện. Được biết, hầu hết các khẩu trang không bao bọc kín phần khuôn mặt cần che chắn hoặc có màng lọc bị lỗi. |