Tôi không nhớ mình đã quen nhà báo Phương Nam tự hồi nào nhưng có lẽ là lần tôi cùng đoàn nhà văn nhà báo đi thực tế ở núi Tà Cú, Bình Thuận trong trại sáng tác Cây bút vàng của Bộ Công an cách đây hơn hai chục năm trước.
Khi đó Phương Nam là một chàng nhà báo còn trẻ, khỏe mạnh, đẹp trai và say nghề. Nhưng tôi thực sự chú ý đến các bài viết của Phương Nam khi anh đầu quân cho báo Pháp Luật TP.HCM, một tờ báo thu hút bạn đọc bởi các bài viết sâu sắc về các vấn đề pháp luật nhưng lại thấm đậm tình người và có một chất chuyên nghiệp cao.
Các bài viết của Phương Nam cũng mang những đặc trưng như thế. Anh là phóng viên đại diện của báo Pháp Luật TP.HCM ở tỉnh Bình Thuận và các tỉnh trong khu vực.
Và tôi nhận thấy một điều, làm phóng viên đại điện cho báo ở một tỉnh nhiều khi giống như cả một tòa soạn thu nhỏ, vừa phải viết bài, vừa phụ trách mọi lĩnh vực, kiêm nhiệm cả công việc bạn đọc lẫn phát hành, vừa là "bộ mặt" của báo Pháp Luật TP.HCM ở Bình Thuận, lại vừa là công dân của địa phương, phải làm tròn cả hai trách nhiệm, không thể bên trọng bên khinh, cũng phải gặp nhiều chuyện gay cấn, nhiều chuyện dở khóc dở cười, mà nhiều khi không viết không được, cho dù đó là vấn đề "tế nhị" ngay địa phương mình sinh sống. Mà tỉnh Bình Thuận thì có rất nhiều báo trung ương mở văn phòng thường trú hoặc có phóng viên đại điện, hầu như trong tỉnh có chuyện gì hôm sau đều xuất hiện tin tức trên các bào đài trung ương và các báo mạng trong nước.
Làm phóng viên trên một địa bàn như thế không thể không cứng cựa. Và Phương Nam là một phóng viên chịu được những áp lực như thế.
'Vùng biển chết' của tác giả Phương Nam dày 408 trang do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM in. Gía bán 120.000 đồng, bán tại NXB Tổng hợp TP.HCM (62 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM); báo Pháp Luật TP.HCM, (số 34 Hoàng Việt, Tân Bình) và số 3 Nguyễn Thị Tần, quận 8, TP.HCM. |
Tôi nhớ có lần có một chiếc máy bay trực thăng quân sự bị tai nạn ở đảo Phú Quý, anh là phóng viên đầu tiên đưa tin ảnh và các báo khác theo sau. Tôi cũng nhớ anh là người rất bền bỉ theo dõi sát sao với đầy lương tâm và trách nhiệm vụ người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén. Hay những vụ đình đám trên địa bàn tỉnh như vụ voi về Tánh Linh, vụ em bé thừa hưởng gia tài triệu đô, vụ đi tìm kho báu trên núi Tàu, núi Ông…
Đọc bài của Phương Nam có thể thấy hầu hết các bài, các đề tài đều mang dấu ấn thể loại ký sự pháp đình, đều mang yếu tố đấu tranh pháp lý vì anh là phóng viên báo pháp luật, đó là các bài liên quan đến các vụ án, các vụ xét xử, kiện cáo, tranh chấp, ly hôn, bồi thường... nhưng anh không viết thuần túy như một bài nội chính, mà bạn đọc bắt gặp trong bài viết của anh những yếu tố nhân văn, những chi tiết quan sát tinh tế, những cái nhìn đầy thương cảm. Đó là các bài Hãy sòng phẳng với dân, Đám cưới người tù oan, Ám ảnh một phiên tòa lưu động, Nước mắt mẹ chồng, nước mắt nàng dâu…
Hay ở một mảng đề tài khác, bài viết của anh hơi ly kỳ, có nhiều góc nhìn lạ, độc đáo, có thể là chuyện hi hữu, có thể là chuyện đầy gay cấn mà người đọc bị lôi cuốn từ đầu đến cuối (như chuyện cậu bé thừa hưởng triệu đô, chuyện thần bài..., chuyện người tìm kho báu...).
Anh là phóng viên địa bàn nhưng không bị gò bó ràng buộc bởi tính địa bàn địa phương, bài viết của anh mang cái nhìn khái quát cao hơn, đó là những bài chung về quản lý, về chống tiêu cực trong giao thông, về chống tệ nạn xã hội... (như các bài về bảng số xe đỏ dỏm, bài về nạn cò, bảo kê, chạy chọt, ăn hối lộ...).
Những đề tài dễ đụng chạm, những đề tài mà đọc xong nhiều người có thể ái ngại cho tác giả vì tính trung thực đôi khi đối đầu trực diện ấy. Nhưng tôi đọc Phương Nam xong lại thấy và luôn phục anh ở chỗ anh dám viết, dám chịu trách nhiệm và dám nói cả nỗi lòng mình, bởi anh luôn viết bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh.
Đã có những lần anh bị đe dọa và bị hành hung. Nhưng ngay sau đó tôi lại được đọc tiếp những bài báo cương trực không kém của anh. Và thật cảm động, trên Facebook tôi đã đọc được những chia sẻ thật cảm động và ngọt ngào của người bạn đời của anh, chị viết với tất cả niềm tự hào và yêu thương vì có một người chồng làm báo bản lĩnh yêu nghề như thế. Khi đó tôi đã đăng lại bài viết của chị trên Tạp chí Nghề Báo của Hội Nhà báo TP.HCM mà tôi đang là tổng biên tập.
Bây giờ cầm tập bản thảo của nhà báo Phương Nam trên tay, tôi thấy như đang xem lại những thước phim quay chậm về những kỷ niệm cả một quãng thời gian dài gắn bó với anh, với mảnh đất Bình Thuận đầy nắng gió và luôn sôi động các đề tài báo chí...
Tôi chắc rằng bạn đọc và đồng nghiệp cũng sẽ đón nhận và chia sẻ với anh về tình yêu nghề nghiệp và trách nhiệm với tờ báo của anh, với quê hương của anh, thông qua tập sách nhỏ này.