Những cái chết oan và lỗ hổng trách nhiệm

Những cái chết oan và lỗ hổng trách nhiệm ảnh 1
Thi thể bé trai xấu số đã được tìm thấy rạng sáng ngày 9-9. Ảnh: V.Ngọc 

Đau lòng là những cái chết oan ức như thế hầu như mùa mưa nào cũng xảy ra. Xin điểm sơ vụ một người đàn ông bị nước cuốn trôi vào miệng cống trên đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức, TP.HCM) năm 2010; rồi dư luận chưa hết xót thương cho cái chết của nữ sinh viên do nước cuốn khi trên đường về khu ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM mùa mưa năm rồi, thì nay chỉ trong ngày 6-9 hai sinh mệnh trẻ em (một bảy tuổi và một chín tuổi) ở Bình Dương bị nước mưa cuốn trôi vào cống. Một bé đã được tìm thấy xác, một bé vẫn chưa tìm được.

Điều đáng nói là các nguy cơ dẫn đến hậu quả trên là có thể nhìn thấy được như những miệng cống không đậy, hoặc nắp cống hay bị cuốn trôi trên đường 22/12 thuộc khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An (Bình Dương) nơi đã cuốn bé La Văn Tỷ. Thế nhưng khi hậu họa đã xảy ra rồi, lãnh đạo các cơ quan chức năng mới chỉ đạo: “… rà soát công trình, biển báo”, “khắc phục những miệng cống hư hỏng, không đậy nắp”… Dư luận luôn đặt câu hỏi tại sao những nguy cơ có thể nhìn thấy được ấy đã không được nhìn ra trước đó mà khắc phục, để đến khi hậu quả xảy ra, đánh đổi bằng những mạng sống trẻ thơ thì mới vỡ ra? Và nguyên nhân “tại… trời” lại được nhắc đến! Như lời ông Lâm Trung Cang - Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Thuận An trên báoNgười Lao Động rằng: “Chúng tôi chịu trách nhiệm duy tu nạo vét và các tấm đan (nắp cống) hư thì thay. Các tấm đan còn tốt lắm. Do mưa lớn nên tấm đan mới bị bung”.

Cũng như vụ cây xanh bung gốc đè chết một phụ nữ trên đường ở TP.HCM người ta cũng đổ cho… trời. Và đến nay, người dân TP.HCM vẫn chưa nhận được thông tin rõ ràng từ cơ quan hữu trách về nguyên nhân là do trời (gió cấp mấy?), do cây yếu (bị sâu mục?) hay sự tắc trách, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xác định “khả năng chịu đựng” của cây với “trời” để có biện pháp xử lý, ngăn chặn?

Riêng cái nắp cống ở Thuận An, người dân nói nó cứ bị mưa cuốn trôi, tạnh mưa dân lại khiêng vào đậy lại. Vậy đủ rõ chưa?

Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, khi vi phạm quy tắc hành chính mà gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác với tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên sẽ bị phạt tù (Điều 109). Nếu cùng lỗi mà gây chết người thì án tù cao hơn (Điều 99). Trong trường hợp đã xác định được đơn vị quản lý, duy tu thì có thể “truy” theo Điều 220 về tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông.

Song trong các vụ chết người đấy, trách nhiệm cá nhân đã bị lẩn khuất và người ta cứ nói các cái chết ấy là do xui, do trời với cái cớ là mưa to, gió lớn. Và họ đã có các khuyến cáo đại loại phụ huynh tuyệt đối không để các bé nô đùa ở những nơi nguy hiểm; nhắc nhở người dân không lưu thông khi mưa to... Vậy là xong?

Cách giải quyết lâu nay đã không truy vấn địa chỉ trách nhiệm. Một khi người ta còn vin vào lý do “tại trời” mà thoái thác trách nhiệm được thì mạng sống của người dân còn tiếp tục bị đe dọa.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm