Phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu đang bước vào giai đoạn nghị án. Suốt 10 ngày phiên xử diễn ra, bên cạnh những con số đưa - nhận hối lộ gây sốc, những lời khai ra vẻ ngây ngô, những đợt "nhả thơ" và lẩy Kiều không phù hợp hoàn cảnh... thì lời bào chữa của một số luật sư cũng khiến dư luận bức xúc, thậm chí phẫn nộ.
"Quan điểm bào chữa thờ ơ, vô cảm"
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là người bị cáo buộc đã nhận hối lộ nhiều lần nhất (253 lần), số tiền lớn nhất (42,6 tỉ đồng), bị VKS đề nghị mức án cao nhất: tử hình.
Bị cáo Phạm Trung Kiên. Ảnh: CTV |
Khi bào chữa cho Phạm Trung Kiên, luật sư đã làm "phép tính" trên 42 tỉ đồng mà bị cáo Kiên đã nhận trên 30 ngàn công dân Việt Nam ở nước ngoài. Từ đó, luật sư cho rằng mỗi một cá nhân chỉ phải bỏ ra từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng để nhận được vé chuyến bay giải cứu về nước.
Vị luật sư này đặt câu hỏi: "Vậy con số này là lớn hay là nhỏ? Có lớn không nếu mà bỏ ra 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng để đổi lấy sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình; có lớn không phải ở lại nước ngoài mắc Covid 19? Có lớn không nếu so với thu nhập trung bình của số đông người Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài?
Đó là chưa kể đến giá trị tinh thần vô giá mà họ nhận được khi họ được đoàn tụ với gia đình, người thân ở trong nước, riêng cái phần này thì không tính được bằng tiền và điều đó cũng cần được đưa vào xem xét khách quan, toàn diện và đầy đủ khi đánh giá khoản tiền 42,6 tỉ đồng là lớn hay nhỏ. Qua đó xác định số tiền đó có thể quà cảm ơn hay không?".
Khi tranh luận lại, đại diện VKS nói: "Chúng tôi thật sự phẫn nộ, chúng tôi cho rằng quan điểm bào chữa của luật sư thể hiện sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau khổ, sự mất mát to lớn của đồng bào ta, cũng như những người dân nghèo trên toàn thế giới ở trong đại dịch Covid 19''.
Và, công tố viên nói tiếp: "Để đảm bảo văn hoá trong tranh tụng, chúng tôi sẽ không dùng những từ ngữ nặng lời để đánh giá quan điểm bào chữa lệch lạc này của luật sư mà có lẽ để công luận và xã hội đánh giá là thoả đáng nhất''.
Nhận hối lộ nhưng "vô tình, không may"
Bị cáo Trần Văn Dự, Cục Phó Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (A08) - người từng nói trước tòa rằng "cũng là số tôi đen, không may thì thôi trả lại cho nhà nước". Khi bào chữa, luật sư của bị cáo này và cả bị cáo đều cho rằng hành vi của bị cáo là “nhận hối lộ nhưng vô tình, không may''. Bị cáo không biết, không gặp, không chỉ đạo cấp dưới nhận tiền của doanh nghiệp. Bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ A08) báo cáo đến đâu thì bị cáo Dự biết đến đó trong khi Tuấn nhận rất nhiều tiền.
Tranh luận lại, VKS khẳng định đã là nhận hối lộ thì không có khái niệm “nhận hối lộ vô tình cũng như không may” như lời tự bào chữa của bị cáo.
Theo VKS, hành vi nhận hối lộ là được thực hiện bởi lỗi cố ý, một người có chức vụ và hiểu biết như bị cáo phải hiểu được điều này. ''Vì vậy, đã làm sai thì phải nhận thức được đầy đủ thì từ đó mới có thể sửa chữa được'' - VKS nói.
"Tư vấn mang tính cá nhân, ngoài nhiệm vụ công tác"
Luật sư của bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng cho rằng bị cáo Linh tư vấn hồ sơ cho bị cáo Hoàng Anh Kiếm (bị xét xử tội môi giới hối lộ) chỉ là tư vấn mang tính chất cá nhân, ngoài nhiệm vụ công vụ của bị cáo.
Bị cáo Linh không có hành vi thỏa thuận, “o ép” doanh nghiệp xin cấp phép các chuyến bay; không nhận thức việc nhận tiền là nhận hối lộ.
Với lời bào chữa này, VKS viện dẫn các lời khai, chứng cứ trong vụ án để khẳng định ''không có chuyện tư vấn hồ sơ với tư cách cá nhân, không có chuyện Linh không nhận thức là tiền nhận hối lộ'' và ''chúng tôi khẳng định rằng, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ trên xác định, Nguyễn Quang Linh đã phạm vào tội nhận hối lộ''.
"Nhận thức ngây ngô, nghĩ là doanh nghiệp cảm ơn"
Luật sư của bị cáo Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế cho rằng thân chủ nhận tiền nhưng ''nhận thức ngây ngô, nghĩ là doanh nghiệp cảm ơn''.
Về ý kiến này, VKS nói rằng bị cáo Nguyễn Thanh Hải là người có chức vụ, quyền hạn, là Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng chính phủ, là Bí thư Chi bộ, bị cáo có đầy đủ nhận thức về hành vi của mình.
"Bị cáo hiểu việc nhận tiền của doanh nghiệp là hành vi trái pháp luật và đạo đức công vụ theo Luật phòng chống tham nhũng nên không thể cho rằng bị cáo nhận tiền với nhận thức ngây ngô được và càng không thể nói là tiền cảm ơn được'' - VKS đối đáp.