Những người hay “xía” vào chuyện thiên hạ

(PLO)- Bỏ ngoài tai nhiều lời khó nghe, các cộng tác viên dân số vẫn cần mẫn tìm tới từng nhà vận động người dân thực hiện các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Cách đây không lâu, tôi tới nhà một chị ở địa bàn phụ trách vận động kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ). Thấy tôi đến cổng nhà, chị liền xua chó ra đuổi làm tôi hết hồn” - bà Võ Thị Lệ Thanh (62 tuổi), cộng tác viên (CTV) dân số khu phố 1, phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM, vui vẻ kể.

Bị chó đuổi “chạy có cờ”

“Nhà chị ấy đã có hai con, đủ nếp, đủ tẻ nhưng vẫn muốn sinh thêm vì quan niệm “trời sinh voi sinh cỏ”. Gia cảnh khó khăn, hai vợ chồng làm quần quật chỉ đủ chi tiêu hằng ngày, lo ăn học cho hai đứa con. Nếu thêm miệng ăn thì cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn.

TP.HCM hiện có hơn 11.850 CTV dân số, mỗi người quản lý 150-250 hộ dân (riêng huyện Cần Giờ là 30-50 hộ dân).

Tôi gọi điện thoại lựa lời khuyên chị đừng sinh nữa, dành thời gian, tiền bạc chăm lo cho hai đứa nhỏ. Chưa nói dứt câu, chị đã nạt ngang “Con tôi đẻ tôi nuôi, mắc mớ gì tới chị. Chị mà tới nhà lần nữa, tôi xua chó cắn ráng chịu” rồi tắt điện thoại cái rụp” - bà Thanh tiếp mạch câu chuyện.

Là một CTV dân số, bà Thanh không bỏ cuộc mà tìm cách tiếp cận khác. Khi gọi điện thoại bà không nói chuyện sinh đẻ nữa, chỉ hỏi thăm tình hình công ăn việc làm của gia đình, có khó khăn gì cần chính quyền hỗ trợ không. Tới đợt cho trẻ uống vitamin A hay tiêm ngừa, bà gọi điện thoại nhắc vì lo họ bận mưu sinh rồi quên mất quyền lợi của con… “Cứ như vậy mà chúng tôi trở nên thân tình hơn. Chị đã mở lòng, mời tôi đến nhà uống trà, ăn bánh, tâm sự chuyện nhà chuyện cửa” - bà Thanh cười mỉm.

“Mưa dầm thấm sâu”, dần dà chị tin tưởng coi bà Thanh như người trong nhà. “Khi đã thân thiết, tôi mới nhỏ to phân tích những khó khăn khi có thêm một đứa con. Cuối cùng chị ấy cũng hiểu” - bà Thanh chia sẻ.

Nghe thì dễ, làm mới khó

“Vận động những cặp đôi sắp kết hôn đi khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện một số bệnh lây qua đường tình dục là một trong những công việc của CTV dân số. Mục đích của việc làm này là để các bé sinh ra được khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số” - bà Lê Thị Hạnh (67 tuổi), CTV dân số khu phố 1, phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ.

Nghe thì đơn giản nhưng khi vào việc mới thấy gian nan. Mỗi khi có hai người trên địa bàn chuẩn bị về chung nhà, bà Hạnh sẽ tới gặp và vận động họ đi khám sức khỏe tiền hôn nhân. “Một lần, vừa mới nói tới sự cần thiết của khám sức khỏe tiền hôn nhân, một cặp đã nói lại “Tụi cháu trẻ khỏe, sống lành mạnh, đâu sợ mắc bệnh lậu, giang mai, AIDS… mà phải khám. Cô cũng sắp có dâu, vậy khi nào con cô đi khám thì tụi cháu làm theo”” - bà Hạnh kể.

Bà Lê Thị Hạnh (thứ hai từ trái sang) đang trao đổi công tác vận động khám sức khỏe tiền hôn nhân. Ảnh: TRẦN NGỌC
Bà Lê Thị Hạnh (thứ hai từ trái sang) đang trao đổi công tác vận động khám sức khỏe tiền hôn nhân. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nghe vậy, bà Hạnh về bàn với con trai. Vài ngày sau, bà cầm kết quả khám sức khỏe tiền hôn nhân của con trai và con dâu tương lai cho cặp đôi sắp kết hôn xem. Không ai biết bà Hạnh đã nói gì, chỉ biết rằng ngay hôm sau cặp đôi đã đưa nhau đi khám.

Từ những câu chuyện người thật, việc thật như vậy, những lần vận động sau đó của bà Hạnh khá thuận lợi. “Tôi còn tiên phong thực hiện đình sản để dễ vận động chị em có đủ hai con làm theo. Nói gì thì nói, mình và gia đình mình thực hiện trước thì khi vận động mọi người sẽ có tính thuyết phục hơn” - bà Hạnh trải lòng.

“Không chai mặt không làm được!”

“TP.HCM hiện có tỉ suất sinh thấp, do vậy đang vận động mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Trách nhiệm này đè lên vai CTV dân số” - bà Tô Thị Tuyết Nhung (54 tuổi), CTV dân số khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM, cho hay.

Biết được cặp vợ chồng nào điều kiện kinh tế khá giả nhưng mới có một đứa con là bà tới vận động sinh thêm. Lần đầu không được thì bà tới lần hai, lần ba, lần bốn… “Thiệt tình mà nói làm CTV dân số không chai mặt không làm được. Chưa kiên nhẫn ngồi nghe người ta nói móc, nói méo là chưa thực sự hết lòng với công việc” - bà Nhung trải lòng.

“Đi vận động người dân sinh con cũng cực lắm. Có cặp nghe xong thì nói “Bà là má tôi hay sao mà cứ kêu tôi đẻ”. Cũng có cặp bực bội “Sinh đẻ là chuyện riêng tư của người ta, sao bà cứ tới làm phiền”. Có nhà thấy tôi từ xa đã bóng gió “Bà lo chuyện bao đồng sắp tới nhà vận động sinh đẻ kìa, người đâu cứ xía mũi vào chuyện thiên hạ”. Lúc đầu tôi nghe cũng buồn, nghe riết… quen tai” - bà Nhung kể tiếp.

Bỏ qua những lời nói khó chịu, hễ có cơ hội là bà Nhung tiếp cận và vận động người dân nên sinh đủ hai con. “Đúng là CTV dân số luôn xía vào chuyện riêng của thiên hạ nhưng tất cả cũng vì lợi ích lâu dài của xã hội. Chúng tôi làm vì yêu thích chứ đâu phải vì 400.000 đồng tiền bồi dưỡng mỗi tháng và 300.000 đồng hỗ trợ mua bảo hiểm y tế tự nguyện cả năm” - bà Nhung tâm sự.

CTV dân số có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, tư vấn về dân số cho người dân trên địa bàn; cung cấp bao cao su, viên uống tránh thai đến từng gia đình; thực hiện tiếp thị, tiếp thị xã hội, xã hội hóa sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ và dịch vụ về dân số theo quy định.

CTV dân số còn có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi việc duy trì thực hiện các nội dung về dân số của các gia đình tại địa bàn quản lý. Ghi chép ban đầu, thu thập số liệu, lập báo cáo định kỳ và đột xuất về dân số; quản lý số hộ gia đình về dân số tại địa bàn quản lý...

ThS PHẠM CHÁNH TRUNG, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm