Tổng giám đốc BHXH Việt Nam đặt nhiều mục tiêu sắp tới cho toàn ngành

(PLO)- Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết đến nay đã có trên 12,2 ngàn cơ sở khám chữa bệnh tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Ngày 26-1-1995, Chính phủ ban hành nghị định về điều lệ BHXH, quy định thực hiện BHXH bắt buộc đối với cán bộ, viên chức nhà nước và người lao động (NLĐ) làm việc tại các doanh nghiệp (DN). Đây là bước ngoặt lớn trong sự phát triển chính sách BHXH với việc triển khai thống nhất BHXH bắt buộc cho NLĐ trong mọi thành phần kinh tế, thay vì chỉ “gói gọn” trong khối cơ quan nhà nước như trước đây...".

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định như vậy với báo chí về chặng đường 28 năm hình thành và phát triển ngành (16-2-1995 và 16-2-2023)

Người dân ngày càng tin tưởng tham gia BHXH

PV: Qua 28 năm xây dựng và phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu nào nổi bật thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Mạnh: Phát triển bảo hiểm theo hướng bao phủ toàn dân là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Với ý nghĩa đó cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong 28 năm qua chính sách bảo hiểm ngày càng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

Cụ thể, ngành đã chủ động hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho NLĐ và nhân dân tham gia, thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh.

Đáng chú ý, chính sách BHYT đã bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe người dân và cộng đồng. Giảm bớt gánh nặng tài chính cho dân khi sử dụng các dịch vụ y tế, từ đó làm giảm nguy cơ đói nghèo, đặc biệt đối với người nghèo, cận nghèo, người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng miền núi.

Diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng được mở rộng với sự tăng trưởng ấn tượng như có 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHTN cũng tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên hơn 14,3 triệu người năm 2022, tăng gần 2,4 lần. Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên hơn 91,1 triệu người năm 2022, tăng 12,8 lần, đạt tỉ lệ bao phủ 92,04% dân số - cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.

Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại.

Quy mô các quỹ bảo hiểm cũng tăng qua từng năm, khẳng định tính bền vững, đảm bảo cân đối trong dài hạn, nhờ đó NLĐ và nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng khi tham gia bảo hiểm.

Ngành đi tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin

PV: Về công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS) của ngành thì sao thưa ông?

Với phương châm "Lấy người dân, DN làm chủ thể, trung tâm phục vụ", chúng tôi đặc biệt coi trọng và tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ.

Cụ thể, chúng tôi cắt giảm từ 263 TTHC (năm 2009) xuống chỉ còn 25 TTHC. Số giờ thực hiện TTHC cho người dân và DN giảm từ 335 giờ mỗi năm (năm 2015) xuống còn trên 100 giờ.

Chúng tôi cũng đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, hiện đã có trên 28 triệu tài khoản sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các dịch vụ công (DVC) về BHXH, BHYT; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID và thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp để đi khám chữa bệnh...

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thăm công nhân lao động.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thăm công nhân lao động.

Chúng tôi cũng là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư ngay khi được đưa vào vận hành chính thức. Hệ thống đã xác thực trên 74,1 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, ngành cung cấp, chia sẻ gần 72,3 triệu lượt thông tin cho CSDL quốc gia về dân cư.

Đến nay đã có trên 12,2 ngàn cơ sở khám chữa bệnh tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp (chiếm 95,4% tổng số cơ sở KCB BHYT), với hơn 10,5 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD gắn chíp thành công phục vụ khám chữa bệnh BHYT.

Chúng tôi cũng triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vân tay trên CCCD gắn chíp trong KCB BHYT và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận “Một cửa”.

PV: Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, theo ông ngành cần tập trung những giải pháp gì trong thời gian tới?

Chúng tôi xác định các giải pháp theo định hướng “kiến tạo” phải được toàn ngành triển khai với tinh thần chủ động, đồng bộ và toàn diện.

Cụ thể, thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XII; tổ chức thực hiện có hiệu quả các Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn - Vệ sinh lao động…

Cạnh đó, bản thân chúng tôi phải tiếp tục đổi mới công tác truyền thông cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình và NLĐ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm cũng cần được đẩy mạnh, đặc biệt là công tác thanh tra chuyên ngành. Nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ, chính sách về bảo hiểm; các hành vi gian lận, trục lợi các quỹ bảo hiểm.

Song song đó, ngành cần tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT; nghiên cứu triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số của ngành, nhất là việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là những giải pháp mang tính chiến lược, có vài trò bản lề trong việc quản trị và trong công tác phục vụ của ngành, nhằm đem lại những thuận lợi và lợi ích cao nhất cho người dân, DN.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu. Phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng sự hài lòng của người dân, DN…

Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm