Trong một, hai năm gần đây, các sêri sitcom (Situation Comedy - hài tình huống) dần thay thế phim truyền hình trên sóng truyền hình. Ngoài những sêri sitcom được mua bản quyền để làm lại thì cũng rất nhiều sêri sitcom thuần Việt xếp hàng lên sóng. Và sitcom hiện cũng đã nở rộ, lấn sang các kênh YouTube.
Khai thác chuyện giới trẻ
Trên YouTube, trong năm 2016 có thể điểm mặt một số sêri sitcom đạt triệu lượt xem (view): Sửu nhi (Group Cast), Phim học đường (FapTV), Kem Xôi (Kem Xôi TV), Học đường nổi loạn (Phim cấp 3), SVM Mì tôm (Svm TV)… Tất cả sêri này đều khai thác chủ yếu câu chuyện dành cho giới trẻ, học đường. Và hầu hết các sêri này đều do các kênh tự sản xuất, diễn viên xinh, diễn xuất ổn nhưng chưa nhiều gương mặt là nghệ sĩ trong đời thực, chủ yếu vẫn là các nhóm diễn của các kênh trực tuyến.
Năm 2017 ngược lại đánh dấu rất nhiều nhà sản xuất, hãng phim truyền hình nhảy vào thị phần giải trí trực tuyến đầu tư sitcom để phát qua YouTube, các kênh giải trí trực tuyến khác. Nổi bật nhất trong dàn sitcom phát hành trực tuyến chính là dự án Glee Việt Nam của kênh trực tuyến Danet (BHD), FPT Play (FPT Telecom) và ZingTV. Glee Việt Nam là sêri phim ca nhạc được mua bản quyền từ Glee của Mỹ. Glee là sêri đã tạo nên hiện tượng văn hóa trong giới trẻ Mỹ với 120 tập phim và hơn 700 ca khúc. Và phiên bản Việt mùa đầu tiên sẽ lên mạng miễn phí cho khán giả từ trung tuần tháng 8 này gồm 22 tập, phát thông qua hệ thống phân phối của Danet, FPT Play và ZingTV. Đặc biệt, đối tác FOX sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm phát hành bộ phim này tại thị trường nước ngoài.
Các nghệ sĩ hài tham gia Ai mới là bà chủ?, sêri sitcom do Discovery đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: POPS
Các nhà sản xuất show, băng đĩa nhào vào sitcom
Tuy nhiên, BHD từng là đơn vị thực hiện sêri Bếp hát không phải quá thành công dù dàn diễn viên cũng ngôi sao; đạo diễn, phụ trách âm nhạc cũng hàng “cứng cựa”. Chia sẻ về điều này, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cũng phải thừa nhận khi BHD quyết định làm Glee, đó là một thách thức lớn mà anh lẫn công ty phải đối mặt. Tuy nhiên, vì những người làm đều ham được sống trẻ lại nên làm. “Thực tế, phim đòi hỏi các bạn diễn viên vừa phải hát hay, nhảy đẹp và diễn xuất tốt trong bối cảnh không có sẵn diễn viên như thế quả là thách thức. Vì thế trường quay Glee Việt Nam không chỉ là nơi để ghi hình mà có những lớp đào tạo liên tục. Từ nhiều tháng qua, những nghệ sĩ trẻ đã bắt tay vào việc tập luyện đài từ bởi sitcom này thu tiếng trực tiếp; tập vũ đạo, thanh nhạc để chuẩn bị cho vai diễn của mình trong phim” - đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình cho biết.
Và với việc đầu tư lớn nhưng chỉ phát hành trực tuyến, bỏ qua các kênh truyền hình truyền thống, chị Trần Thu Trang, Giám đốc Ban dự án FPT Telecom, cho rằng: “Thị trường trực tuyến đã có người dùng tiếp cận với các thiết bị số rất lớn, lại chủ yếu là giới trẻ, đối tượng trọng tâm mà dự án nhắm đến. Quan trọng hơn nữa là chúng tôi muốn tạo ra sân chơi của những đơn vị đề cao và tôn trọng tác quyền. FPT Play đã đồng hành Danet từ trước và với sự hợp tác này, chúng tôi cũng sẽ chung tay có những biện pháp bảo vệ bản quyền sản phẩm”.
Ngoài BHD nhảy sang đầu tư sêri Glee, Công ty Cổ phần Nghe nhìn Thăng Long (Thăng Long Audio Visual), một đơn vị vốn phát hành băng đĩa nhạc-video, đã nhảy vào đầu tư sitcom phát trên YouTube. Nổi bật nhất của Thăng Long Audio Visual là sêri Chí Phèo ngoại truyện. Tập đầu tiên của sêri vừa phát qua YouTube ngày 6-7 vừa qua và cứ mỗi tuần sẽ phát một tập với nội dung hài dân gian Việt Nam. Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết chính khi phát hành qua YouTube thì những câu chuyện hài với chất dân gian phải nương theo những vấn đề nóng của xã hội. Mỗi tập phim là một vấn đề thời sự được truyền tải hài hước thông qua Chí Phèo và Thị Nở.
Discovery cũng đầu tư sitcom Việt Nam
Trong ngày 7-7 vừa qua, Her Voice - một kênh giải trí dành cho phụ nữ vừa công bố ra mắt phim sitcom mang tên Ai mới là bà chủ?. Đây là dự án do Công ty POPS Worldwide sản xuất và được đầu tư bởi Discovery, đơn vị truyền thông và giải trí hàng đầu thế giới.
Kể từ hợp đồng ký kết giữa POPS và Discovery vào tháng 11 năm ngoái đến nay, ngoài việc Việt hóa các chương trình của TLC, kênh truyền hình thuộc hệ thống Discovery như Dare to wear (Thay đổi, bạn dám không?), Brides gone styled (Thách thức cô dâu), Candy queen (Nữ hoàng kẹo ngọt)… thì sêri Ai mới là bà chủ? là sản phẩm đầu tiên cho việc phát triển nội dung giải trí tiêu chuẩn quốc tế nhưng hơi thở Việt trên YouTube cho khán giả Việt Nam.
Với đề tài về cuộc sống của các gia đình hiện đại, xoay quanh những mối quan hệ như bạn bè, vợ chồng, hàng xóm, đặc biệt là mối quan hệ giữa người giúp việc và chủ nhà, Ai mới là bà chủ? sẽ hội tụ các tình huống “kinh điển” của cuộc chiến không khoan nhượng của người giúp việc và bà chủ. Lồng ghép trong đó là những câu chuyện đời thường mà có thể bạn đã từng thấy đâu đó trong cuộc sống hằng ngày như tình già, chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện ngoại tình, thói đua đòi trưởng giả… Phim cũng có sự tham gia của ba diễn viên hài Nam Thư, Kiều Linh và Puka.
Có thể nói cho đến hiện tại, truyền hình đang có quá nhiều sản phẩm giải trí khi thời lượng phát sóng bị thu hẹp, việc các nhà sản xuất nhảy vào đầu tư cho thị trường giải trí trực tuyến là bước đi khôn ngoan. Bởi giải trí trực tuyến chính là tương lai của các nhà sản xuất.
90% ca khúc Việt trong Glee “Toàn bộ nhạc trong phim Glee phiên bản Việt Nam là nhạc Việt với 90% ca khúc phổ biến, đã có đời sống riêng của nó. Làm một bộ phim ca nhạc đúng nghĩa, dài hơi đã là ước mơ của tôi 10 năm nay nên tôi đã gom góp, chờ đợi. Hơn nữa, nên phân biệt phim ca nhạc và nhạc kịch. Ở đây, Glee Việt Nam là phim ca nhạc, nghĩa là phần nhạc là phần bổ trợ cho nội dung câu chuyện, phù hợp với bối cảnh sau khi diễn viên đã thoại xong chứ không phải diễn viên nói chuyện với nhau bằng lời hát như nhạc kịch” - nhạc sĩ Huy Tuấn, Giám đốc âm nhạc Glee Việt Nam, chia sẻ. |