Theo thông báo ngày 7-10 của Viện Hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, giải Nobel Vật lý năm 2014 đã được trao cho ba nhà khoa học gồm hai nhà vật lý Nhật Isamu Akasaki và Hiroshi Amano cùng với nhà vật lý người Mỹ gốc Nhật Shuji Nakamura.
Trang web về giải Nobel giải thích đầu thập niên 1990, ba nhà khoa học Isamu Akasaki, Hiroshi Amano và Shuji Nakamura đã phát minh ra nguồn ánh sáng thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng. đó là đi-ốt phát quang (LED - light emitting diode) xanh da trời.
Nhờ đi-ốt phát quang xanh da trời, ngày nay các đèn led ánh sáng trắng đã được sản xuất và sử dụng rộng rãi.
phát biểu tại lễ công bố giải Nobel Vật lý năm 2014, GS Per Delsing ở ĐH Công nghệ Chalmers (Thụy Điển), chủ tịch Ủy ban Giải Nobel Vật lý, nhận xét: “Điều thú vị là rất nhiều công ty lớn đã tìm mọi cách để làm điều này (phát minh ra đi-ốt phát quang xanh da trời) nhưng họ thất bại. Ba nhà vật lý này đã kiên trì, cố gắng và cuối cùng họ đã thực sự thành công”.
Từ trái sang: TS Isamu Akasaki, TS Hiroshi Amano và TS Shuji Nakamura. Ảnh: BBC
Hai nhà vật lý Isamu Akasaki và Hiroshi Amano hợp tác nghiên cứu với nhau trong khi Shuji Nakamura làm việc độc lập.
Viện Hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển ghi nhận khi ba nhà vật lý Isamu Akasaki, Hiroshi Amano và Shuji Nakamura phát minh ra đi-ốt phát quang xanh da trời từ các chất bán dẫn, họ đã mở ra một cuộc chuyển biến cơ bản trong công nghệ chiếu sáng.
Đi-ốt phát quang đỏ và đi-ốt phát quang xanh lá cây đã được tìm thấy và sử dụng trước đó.
Nếu không có đi-ốt phát quang xanh da trời thì sẽ không thể có đèn led phát ánh sáng trắng đang được sử dụng rộng rãi hiện nay vì chỉ khi kết hợp ba đi-ốt phát quang đỏ, xanh lá cây và xanh da trời, ánh sáng trắng mới được phát ra.
Trong suốt 30 năm trước thập niên 1990, dù bỏ ra rất nhiều nỗ lực nghiên cứu, cộng đồng khoa học và các công ty vẫn không thể phát minh được đi-ốt phát quang xanh da trời.
Đèn led phát ánh sáng trắng là loại đèn có tuổi thọ cao và rất tiết kiệm năng lượng. Loại đèn led này được cải tiến liên tục.
Quang thông (tổng lượng ánh sáng từ một nguồn sáng phát ra, được đo bằng đơn vị lumen) trên một đơn vị công suất điện (được đo bằng watt) của đèn led ngày càng được nâng cao.
Kỷ lục gần đây nhất là một bóng đèn led có hiệu suất phát quang lên đến 300 lumen/watt (lm/w). Trong khi đó, hiệu suất phát quang của bóng đèn sợi đốt thông thường và bóng đèn huỳnh quang lần lượt chỉ là 16 lm/w và 70 lm/w.
Sự ra đời của đèn led ánh sáng trắng đã góp phần tiết kiệm các nguồn tài nguyên của Trái đất vì khoảng 25% lượng tiêu thụ điện trên thế giới phục vụ cho mục đích chiếu sáng.
Đèn led ánh sáng trắng cũng hứa hẹn cải thiện chất lượng cuộc sống của hơn 1,5 tỉ dân trên thế giới không tiếp cận với mạng lưới điện vì họ có thể sử dụng nguồn năng lượng mặt trời tại địa phương để thắp sáng đèn led vốn tiêu hao rất ít năng lượng.
- Isamu Akasaki 85 tuổi, sinh tại Chiran (Nhật), lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Nagoya của Nhật năm 1964. Ông là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chất bán dẫn nitride tại ĐH Meijo (Nhật). - Hiroshi Amano 54 tuổi, là công dân Nhật, lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Nagoya năm 1989. Ông đang là giáo sư tại ĐH này. - Shuji Nakamura 60 tuổi, là công dân Mỹ nhưng sinh tại Ikata (Nhật). Ông lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Tokushima (Nhật) năm 1994, hiện là giáo sư tại ĐH California (Mỹ). _________________________________ 100.000 giờ là tuổi thọ bóng đèn led ánh sáng trắng có thể đạt tới. Tuổi thọ bóng đèn sợi đốt chỉ khoảng 1.000 giờ còn tuổi thọ đèn huỳnh quang khoảng 10.000 giờ. Đèn huỳnh quanh thắp sáng thế kỷ 20, còn đèn led ánh sáng trắng sẽ thắp sáng thế kỷ 21. Viện Hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển |