Với việc lựa chọn ông trùm dầu khí Rex Tillerson làm ngoại trưởng Mỹ cùng một nội các với nhiều tỉ phú, triệu phú của ông Trump đã làm dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề xung đột lợi ích. Các nhân vật trong nội các mới của ông Trump đều được cho là có mối quan hệ lợi ích kinh tế chặt chẽ với lĩnh vực mà họ sẽ quản lý trong tương lai ở cương vị mới, do đó việc xung đột lợi ích ở hai vai trò là điều không thể tránh khỏi, theo kênh CNN.
Trùm dầu khí làm ngoại trưởng Mỹ
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 13-12 chính thức chọn ông Rex Tillerson, Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí khổng lồ Exxon Mobil, cho chức vụ ngoại trưởng Mỹ. Theo tờ The Washington Post, ông Tillerson không có kinh nghiệm tham gia chính trường mà chỉ ngoại giao với đối tác các nước thông qua quan hệ kinh doanh. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử đương đại nước Mỹ có một ứng viên thiếu kinh nghiệm như Tillerson được bổ nhiệm làm ngoại trưởng.
Ông Tillerson, 64 tuổi, bắt đầu làm việc cho Tập đoàn Exxon Mobil từ năm 1975 và giữ vai trò giám đốc điều hành của tập đoàn này từ năm 2006 cho đến nay. Tập đoàn này dưới sự lãnh đạo của ông Tillerson đã có mặt tại hơn 50 quốc gia, từng đàm phán cấp chính phủ trong và ngoài nước, cũng như tham gia vào các dự án quan trọng tầm cỡ quốc tế. Theo tạp chí Forbes, Exxon Mobil có giá trị thương mại gần 370 tỉ USD và xếp thứ chín trong danh sách 2.000 công ty toàn cầu vào năm 2015 và là tập đoàn dầu khí lớn thứ sáu thế giới. Tiền vào túi ông Tillerson cũng không ít. Đến cuối năm 2015, ông Tillerson có hơn 2,6 triệu cổ phiếu trong Exxon Mobil và số cổ phần của ông trị giá khoảng 240 triệu USD. Ông đứng thứ 29 trong danh sách của The New York Times liệt kê 200 CEO được trả lương cao nhất năm 2016. Ngoại trưởng tương lai của nước Mỹ cũng xếp thứ 25 trong danh sách Những người quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes năm 2015.
Ông Tillerson cũng chính là người đã thúc đẩy chiến lược phát triển hoạt động của Exxon Mobil ở Nga trong nhiều thập niên qua. Với vai trò là người đứng đầu Exxon Mobil, ông Tillerson đã đàm phán những hợp đồng trị giá hàng tỉ USD với Moscow. Ngoài ra, ông còn đạt được các thỏa thuận khai thác dầu ở biển Đen, vùng cực Bắc của Nga và Serbia. Với những đóng góp trong lĩnh vực dầu khí, ông Tillerson từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng Huân chương Hữu nghị hồi năm 2013.
Ông Trump được cho là sẽ khó giải quyết được các xung đột lợi ích, dù có trao quyền điều hành công ty cho các con mình đi nữa. Ảnh: REUTERS
Ông Rex Tillerson, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, có quan hệ thân cận với Nga, được bổ nhiệm chức vụ ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: AP
Đến các thành viên khác trong nội các
Ông trùm dầu khí Rex Tillerson không phải là đại gia duy nhất trong nội các mới của ông Trump. Nhiều vị trí bộ trưởng, thứ trưởng… khác trong nội các mà ông Trump chọn lựa đều là tỉ phú, triệu phú xuất thân từ các gia đình có tiềm lực kinh tế hoặc bước ra từ phố Wall. Tổng tài sản của nội các mới dưới thời ông Trump giàu đến mức tờ The Washington Post đã đánh giá đây là nội các giàu có nhất trong lịch sử hiện đại.
Bộ trưởng Thương mại trong chính quyền ông Trump được xác định là nhà đầu tư nổi tiếng thế giới Wilbur Ross. Ông Ross có tài sản trị giá 2,5 tỉ USD và đứng thứ 232 trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới theo tạp chí Forbes. Thứ trưởng Bộ Thương mại là ông Todd Ricketts, đồng sở hữu đội bóng chày Chicago Cubs. Cha của Ricketts, ông Joe Ricketts, là người sáng lập Công ty TD Ameritrade và có tài sản trị giá khoảng 1,73 tỉ USD. Ông Joe Ricketts cũng là nhà tài trợ hàng đầu cho chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Bộ trưởng Tài chính được ông Trump chọn lựa là ông Steven Mnuchin. Ông Mnuchin từng làm việc ở phố Wall và Hollywood. Ông tốt nghiệp ĐH Yale, từng là giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs và đã kiếm được hàng triệu USD tại phố Wall trong hơn hai thập niên qua. Theo tạp chí Forbes, tài sản của ông trị giá khoảng 40 triệu USD.
Bà Betsy DeVos, Bộ trưởng Giáo dục mới của ông Trump, cũng là một tỉ phú. Bà và chồng, ông Dick, xuất thân từ gia đình có tài sản trị giá tới 5,1 tỉ USD. Cha của ông Dick là đồng sáng lập của Tập đoàn Amway và xếp thứ 88 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes. Bà Elaine Chao, Bộ trưởng Giao thông tương lai, là vợ của ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ và là con gái của một ông trùm tàu biển. Bà nhận được hàng triệu USD thừa kế sau khi mẹ qua đời vào năm 2007.
Nguy cơ xung đột lợi ích
Khi ông Tillerson được bổ nhiệm chức ngoại trưởng Mỹ, nhiều chính trị gia, trong đó có hai thượng nghị sĩ là John McCain và Lindsey Graham đã bày tỏ quan ngại vì mối quan hệ thân thiện giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin giữa bối cảnh quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai nước. Cựu đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho biết ông Tillerson có mối quan hệ “rất thân thiết” với ông Igor Sechin, Giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới Rosneft của Nga. Ông Sechin được cho là bạn thân của Tổng thống Putin, quen biết nhau đã hơn 25 năm.
Trong những năm vừa qua, với vai trò là người đứng đầu Exxon Mobil, ông Tillerson đã mang về những hợp đồng trị giá hàng tỉ USD với Moscow và các khu vực lân cận. Ông cũng là người phản đối việc Washington áp đặt lệnh cấm vận đối với Moscow sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014 do lo ngại các lợi ích của Exxon Mobil có thể bị thiệt hại. Vì thế, nhiều người cho rằng khi thành ngoại trưởng, ông có thể sẽ nới lỏng lệnh trừng phạt này. Việc nới lệnh trừng phạt có thể giúp Exxon Mobil tiếp tục các hoạt động khai thác ở Nga vốn đang bị đình trệ từ sau khi lệnh trừng phạt được ban hành.
Điều này khiến nhiều quan chức Mỹ tin rằng ông Tillerson sẽ bị chi phối và khó phân biệt được rạch ròi giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của Exxon Mobil, nhất là trong bối cảnh CIA kết luận về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
Các nhân vật khác trong nội các của ông Trump cũng được cho là sẽ phải đối mặt với vấn đề tương tự. Theo CNN, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos,… đều đang có quan hệ chặt chẽ với ngành mà họ sẽ quản lý ở cương vị mới, do đó việc xung đột lợi ích giữa vai trò doanh nhân và vai trò trong chính phủ là điều không thể tránh khỏi. Theo CNN, nguyên tắc hướng dẫn cho các thành viên cấp cao của chính phủ Mỹ là họ phải hành động vì lợi ích của người dân chứ không phải cho bản thân mình. Do đó, “bất cứ thứ gì, bất cứ khoản đầu tư nào của bạn có thể xung đột với điều đó đều gây ra vấn đề nghiêm trọng” - ông Larry Noble, chuyên gia cố vấn thuộc Campaign Legal Center, nhóm quan sát chính phủ phi lợi nhuận, nhận định.
Ông Trump cũng không ngoại lệ Xung đột lợi ích là vấn đề mà ngay cả bản thân ông Trump cũng phải đối mặt. Ông hiện đang quản lý hơn 500 công ty khắp thế giới và sở hữu tài sản cá nhân trị giá 3,7 tỉ USD. Theo Reuters, luật pháp nước Mỹ không cấm tổng thống sở hữu các công ty tư nhân đồng thời với việc lãnh đạo đất nước. Song lịch sử nước Mỹ chưa từng có một tổng thống nào bước vào Nhà Trắng với số tài sản lớn đến vậy. Cơ quan Đạo đức Chính phủ Mỹ (NPR) cho rằng hầu như bất kỳ quyết định nào của ông Trump về bất động sản, tài chính hay chính sách thuế… cũng sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp riêng của ông. Ví dụ như việc một khách sạn của ông ở Las Vegas đang dính vào vụ kiện với Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia. Ông Trump lại sắp được bầu làm thành viên của chính ủy ban này. Truyền thông Mỹ cho rằng sẽ rất khó để ông Trump giải quyết được các xung đột lợi ích sẽ xuất hiện trong thời gian nhiệm sở, dù là có trao quyền điều hành công ty cho các con của mình. Cơ quan NPR trong bức thư gửi cho ông Trump ngày 14-12 cho rằng ông Trump chỉ có cách là bỏ hẳn việc kinh doanh thì mới tách biệt được vai trò tổng thống với vai trò doanh nhân. |