PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC:

Nơi nào có xã hội đen, trung ương đều biết cả

“Đầu năm mới nên tôi không nói cụ thể nhưng tôi nhắc các đồng chí là nơi nào có tội phạm lộng hành, nơi nào có xã hội đen thì trung ương đều biết cả và các đồng chí phải có biện pháp để xử lý” - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo

138/CP, nhấn mạnh như trên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và phương hướng nhiệm vụ năm 2014 của Ban Chỉ đạo 138/CP tổ chức tại Hà Nội ngày 3-1.

Mỗi ngày 150 vụ xâm phạm trật tự và ma túy

Trước con số trung bình mỗi ngày có 150 vụ xâm phạm về trật tự xã hội (TTXH) và ma túy trên cả nước, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM Dương Văn An cảm thán: “Tình hình về tệ nạn ma túy và tội phạm như vậy là quá nhiều, phải nói là cấp bách và đáng lo ngại”.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 138, cũng cho hay tình hình xâm phạm TTXH tăng 5,03% so với năm trước. Ngoài ra, các loại tội phạm về giết người, ma túy, buôn bán người, kinh tế và công nghệ cao... đều có biểu hiện phức tạp và có chiều hướng gia tăng. “Trong năm đã xảy ra nhiều vụ án dã man tàn bạo, thể hiện trạng thái tâm lý xã hội không bình thường. Trong đó nhiều vụ giết người do ảo giác tâm thần vì sử dụng ma túy, game gây bức xúc dư luận” - ông Vương nói.

Bày tỏ lo ngại trước tình hình tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng phức tạp, nhất là ma túy tổng hợp, ma túy đá hiện chưa có giải pháp điều trị nghiện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm nêu băn khoăn về việc đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo luật này, từ 1-1-2014, việc đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện được chuyển giao sang tòa án cấp huyện quyết định nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện đều chưa có khiến tòa án lúng túng (báoPháp Luật TP.HCMđã phản ánh trên số báo ra ngày 2-1). Cùng chung mối băn khoăn trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 cần sớm phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn về biện pháp đối với người nghiện ma túy, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương.

Trả lời PV về khoảng trống pháp luật nêu trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo 138/CP, cũng tỏ ra lúng túng: “Cũng khó nói lắm. Vận dụng thế nào đó phù hợp với điều kiện cụ thể, sắp tới đây cũng sẽ có một văn bản hướng dẫn”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, các loại tội phạm về giết người, ma túy, buôn bán người... đều có biểu hiện phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trong ảnh: Xét xử vụ án vận chuyển trái phép hơn 5.000 bánh heroin và hàng ngàn viên ma túy các loại đối với 89 bị cáo ngày 3-1-2014 tại TAND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Vì sao quyết liệt nhưng tội phạm không giảm?

Theo Bộ Công an, hiện có 18 địa bàn trọng điểm về tội phạm TTXH và có 10 tỉnh, thành có tội phạm có tổ chức. Trong năm đã có tám địa phương chưa có dấu hiệu chuyển biến về tình hình tội phạm.

Lý giải cho việc vì sao làm quyết liệt nhưng tội phạm không giảm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngoài các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan là do vai trò quản lý của các cơ quan chức năng, địa phương. Việc nắm tình hình, điều tra tại một số địa phương chưa sâu, hiệu quả giải quyết tội phạm chưa cao, một số nơi chưa nghiêm dẫn đến vi phạm pháp luật, đặc biệt là một số vụ tội phạm lộng hành xảy ra trong thời gian dài. “Để tội phạm lộng hành tại địa phương là do tinh thần trách nhiệm của một số đơn vị cá nhân chưa cao, năng lực cán bộ trong việc báo cáo xử lý kịp thời có vấn đề, phối hợp các ngành chưa tốt” - ông nêu rõ.

Trước tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trăn trở: “Nhân dân ngó chúng ta không phải chỉ phát triển kinh tế-xã hội mà phải lo bình yên cuộc sống của nhân dân. Dân chúng ta có thể nghèo một tí nhưng cuộc sống không có tệ nạn xã hội. Còn hơn là cuộc sống tuy có khá giả hơn mà cứ lo nơm nớp chuyện này chuyện kia”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh:  “Nơi nào để tội phạm lộng hành thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo quy định. Đầu tiên là nhắc nhở kiểm điểm nghiêm túc, từ đó mới rút ra những hình thức xử lý phù hợp”.

 

Năm tỉnh bị phê bình vì lãnh đạo vắng họp

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê bình năm tỉnh Yên Bái, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Thừa Thiên-Huế và Đồng Tháp vì lãnh đạo không có mặt. “Các đồng chí quan niệm việc đó là của công an nên lãnh đạo không có mặt phải không?” - Phó Thủ tướng gay gắt. Theo ông, “phải nhận thức rằng hệ thống chính trị phải vào cuộc thì mới ngăn chặn có hiệu quả tội phạm”.

Con đường hòa nhập chông gai lắm

Theo Bí thư Trung ương Đoàn TNCS HCM Dương Văn An, tình hình thanh niên vi phạm pháp luật và phạm tội ngày càng gia tăng, trẻ hóa và tính chất ngày càng nghiêm trọng. “Tôi nhận thức là có trách nhiệm của Đoàn TNCS HCM. Nếu Đoàn làm tốt hơn, đoàn kết nhiều thanh niên hơn, tiếp cận nhiều hơn với các đối tượng có nguy cơ cao, thanh thiếu niên hư hỏng thì sẽ góp phần ngăn được tội phạm” - ông An nói.

Tuy nhiên, ông An cho rằng con đường tái hòa nhập cộng đồng của người lầm lỗi còn khó lắm. Người đã chịu hình phạt tù phải mở được những cánh cửa đầy khó khăn. Một là cánh cửa trại giam và một là “cánh cửa” - sự chấp nhận của cộng đồng. “Những người đã lầm lỡ rất khó vay được vốn, rất khó xin việc làm nên rất dễ quay lại con đường phạm tội” - ông An nêu.

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm