Thế giới bước vào năm 2020 với nhiều sự kiện đầy bất an. Ngày 3-1, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Tổng thống Donald Trump ra lệnh không kích một địa điểm gần sân bay quốc tế Baghdad (Iraq), giết chết tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Cái chết của tướng Qassem Soleimani được đánh giá mang “sức nặng ngàn cân”, có khả năng gây ra những hậu quả không thể lường trước đối với khu vực Trung Đông và cả thế giới. Mỹ cáo buộc Soleimani trực tiếp chỉ đạo toàn bộ chiến dịch quân sự của Iran trên khắp vùng Trung Đông, thực hiện nhiều cuộc tấn công đẫm máu nhắm vào các căn cứ quân sự và binh lính Mỹ.
Sự kiện chấn động
Hồi năm 2018, Tư lệnh Bộ chỉ huy trung tâm phụ trách chiến dịch quân sự Mỹ ở Trung Đông Joseph Votel giải thích về vai trò của Soleimani như sau:
“Ở bất cứ đâu có hoạt động của Iran, chúng ta lại thấy Qassem Soleimani. Syria - ông ta ở đó, Yemen - ông ta cũng ở đó. Lực lượng Quds do Soleimani chỉ huy chính là mối đe dọa lớn, họ là những kẻ đứng sau các hoạt động gây bất ổn (trong khu vực)”.
Theo đài CNN, trong suốt thập niên qua, Iran đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh ủy nhiệm trên khắp Trung Đông. Tehran kiểm soát phần lớn Lebanon thông qua lực lượng ủy nhiệm Hezbollah. Ở đâu có Iran, Soleimani sẽ là người chỉ đạo tất cả chiến dịch ở đó. Một số nhà phân tích đánh giá Soleimani là nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran chỉ sau lãnh tụ tối cao Ali Khamenei.
Cây bút Tom Rogan cho rằng ông Trump có thể sẽ bào chữa rằng cái chết của ông Soleimani là “công lý” cho vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Iraq tuần này, hoặc để phá âm mưu tiềm tàng chống lại Mỹ. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đây quả thật là cột mốc leo thang chiến lược trong đối sách với Iran của Nhà Trắng. Thông tin từ hãng tin AP cho rằng vụ không kích diễn ra khi ông al-Muhandis đón Soleimani vừa đáp xuống sân bay cho thấy đây là một vụ tấn công được tính toán kỹ.
“Vị thế của Soleimani ở Iran và trong lực lượng IRGC khiến vụ tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Imad Mughniyeh hồi năm 2008 (cựu tổng thống George W. Bush ra lệnh) không có gì to tát. Đây thật sự là một sự kiện ghê gớm” - ông Rogan nhấn mạnh.
Trước thời điểm này, ông Trump vẫn để ngỏ một lối thoát ngoại giao với Iran, ông thậm chí còn phớt lờ vụ Tehran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ hồi tháng 6 năm ngoái. Thế nhưng vụ tấn công tướng Soleimani có thể đã đóng sầm cánh cửa ngoại giao đang hẹp đi hơn bao giờ hết.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln thuộc hải quân Mỹ được triển khai đến vùng Vịnh hồi tháng 5-2019. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Iran sẽ không ngồi yên
Ngoại trưởng Iraq Mohammad Javad Zarif cùng ngày đã chỉ trích vụ tấn công là “sự gia tăng căng thẳng ngu xuẩn và cực kỳ nguy hiểm” và khẳng định Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, Tehran đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp để bàn về phản ứng sau vụ không kích.
Trang tin Politico khẳng định các chuyên gia đang lo ngại cuộc không kích của ông Trump đã mở ra nguy cơ chiến tranh trên khắp Trung Đông. Israel có thể trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trả đũa ngay trong tối 3-1. Các lực lượng của Saudi Arabia cũng có thể bị đặt trong tầm ngắm. Dù vậy, quân đội Mỹ ở Iraq sẽ hứng chịu nguy cơ lớn nhất.
Đại sứ quán Mỹ tại Iraq ngày 3-1 đã phát lời kêu gọi công dân Mỹ rời khỏi Iraq ngay lập tức ngay sau cuộc không kích tiêu diệt tướng Qassem Soleimani. Cơ quan này nhấn mạnh công dân có thể di chuyển bằng đường bộ qua biên giới nước khác nếu sân bay không hoạt động. |
“Lý do mà chúng ta thường không ám sát các quan chức chính trị nước ngoài là vì tin rằng hành động như vậy sẽ khiến nhiều người Mỹ bị giết hơn” - thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy nói sau vụ tấn công.
Khi nhắm vào ông Soleimani, ông Trump đã mạo hiểm cuộc đối đầu nguy hiểm và khó lường nhất ở Trung Đông kể từ chiến tranh Iraq. “Nếu mục tiêu là để thể hiện sức mạnh và thông điệp rằng Mỹ sẽ không chấp nhận để đám đông đẩy cửa vào các đại sứ quán của mình thì ông Trump đã thành công” - Politico cho biết.
Một số quan chức Mỹ đã về hưu và đang tại nhiệm cũng cảnh báo vụ không kích lấy mạng tướng Soleimani có nguy cơ đẩy căng thẳng vượt xa dự đoán.
“Chẳng đời nào Iran không đáp trả” - cựu sĩ quan quân đội Mỹ Afshon Ostovar cho biết. Ông cũng là tác giả một cuốn sách viết về IRGC. “Tôi thật không thể tin nổi. Lo lắng ngay bây giờ của tôi là: Bước tiếp theo của Iran là gì? Liệu đây có phải là khởi đầu một cuộc xung đột toàn khu vực?” - ông Ostovar nhận định.
Nhiều nước lên tiếng về hành động của Mỹ Hãng tin SANA (Syria) dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Syria nhấn mạnh: Syria chắc chắn rằng “hành động gây hấn này của Mỹ sẽ chỉ càng củng cố quyết tâm đi theo con đường kháng chiến của các vị chỉ huy này”. Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này nhận định vụ giết tướng Soleimani là bước đi mạo hiểm sẽ làm leo thang căng thẳng trên toàn khu vực. Cùng ngày, Bộ trưởng châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin cho rằng động thái của Mỹ khiến thế giới trở nên “nguy hiểm hơn”. Theo bà Montchalin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ sớm tham vấn “các bên liên quan trong khu vực”. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết mâu thuẫn thông qua biện pháp hòa bình. |