Đó là chuyện những đoàn xe vận tải siêu trường siêu trọng vượt tải nhiều lần, ngang nhiên thách thức các ngành chức năng như đồng loạt đậu hàng dài trước trạm cân, có xe giả hư hỏng nằm chắn ngang đường, hay đồng loạt hàng trăm xe chạy ào vượt trạm cân trước sự bất lực của nhân viên trạm cân thiếu sự hỗ trợ tích cực của lực lượng an ninh,CSGT.
Mới nhất là ngày 8-5 vừa qua, hàng trăm tài xế xe tải có dấu hiệu chở quá tải đã bao vây sáu cán bộ trạm cân Bình Thuận chửi bới, la ó, gõ thùng xe kích động và không chấp hành đưa xe về trạm để cân. Rõ ràng đây không chỉ là hành vi vi phạm luật giao thông bình thường mà là thái độ coi thường pháp luật, thách thức dư luận… Trước đó, hình ảnh có người lái xe vi phạm luật giao thông bị cảnh sát thổi còi đã chạy tông thẳng vào và hất tung cảnh sát viên lên nắp capô chạy zíc-zắc hàng mấy trăm mét trong khi cảnh sát viên phải bám vào cần gạt nước cũng gây nhiều bức xúc. Hoặc gần đây nhất là hình ảnh bợm nhậu say xỉn bịCSGTchặn lại kiểm tra nồng độ cồn đã cự cãi và lớn tiếng thách thức, được thu âm trực tiếp với những lời lẽ rất khó nghe được phát lại trên truyền hình! Tại hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM, không khó bắt gặp những cảnh xe vượt đèn đỏ khi vắng bóng cảnh sát, hay xe máy lạng lách, len lỏi, leo lề để vượt qua xe khác làm thót tim bao người.
Những hành vi nêu trên không những thiếu văn hóa, phản cảm, coi thường luật pháp mà còn coi thường tính mạng người khác. Rất tiếc cách xử lý của CSGT nhiều khi thiếu kiên quyết, trong khi lại nặng tay với những lỗi vi phạm nhỏ bởi những người dân hiền lành vô tình phạm phải. Tại TP.HCM, một số ngã ba, ngã tư có bảng cấm quẹo trái nhưng bảng đặt hơi bị khuất hay đã mờ nhạt, nhiều người mới đi lần đầu không quan sát kỹ do chăm chú chờ đèn xanh đã vô tình quẹo trái bị cảnh sát thổi phạt. Đáng lẽ đối với những người cao tuổi hay người từ ngoại thành vào, cảnh sát chỉ nên nhắc nhở, cảnh cáo thay vì phạt. Tôi đã chứng kiến cảnh một người nông dân chở vợ bằng chiếc xe máy cà tàng từ quê lên BV Từ Dũ, ông ta không biết là có tấm bảng cấm quẹo trái từ đường Nguyễn Thị Minh Khai qua Cống Quỳnh (để vào bệnh viện) đã bị cảnh sát thổi phạt. Ông năn nỉ trình bày hoàn cảnh đưa vợ đi khám thai nhưng cảnh sát viên vẫn khư khư ghi giấy phạt. Trong lúc đó có một vài thanh niên cũng quẹo trái chạy vèo mất, anh cảnh sát chỉ đứng nhìn theo. Hay ngay trước chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) có bảng cấm quẹo trái từ đường Phan Đăng Lưu qua đường Lê Quang Định, muốn quẹo trái phải tấp vô trước chợ rồi mới được quẹo mà người thường đi mới biết. Đa số người quẹo trái đều bị thổi phạt, nhiều người bị phạt tỏ ra ngơ ngác không hiểu tại sao! Gần đây có một hình ảnh thật đẹp và gây ấn tượng với nhiều người đi đường: Một đoàn viên thanh niên mặc áo xanh, dáng dong dỏng cao, đứng phụ điều hành giao thông với cảnh sát tại ngã tư trước chợ Bà Chiểu nói trên, hễ thấy có ai tính quẹo trái thì anh vội vàng đưa tay ra dấu hiệu hãy đi thẳng, đừng quẹo trái (ý là coi chừng bị thổi phạt!).
Con người từ lúc bắt đầu cắp sách đến trường cho đến khi mắt mờ chân yếu là quãng thời gian dài gắn liền với chuyển dịch. Thế nhưng chuyện giáo dục về văn hóa giao thông từ xưa tới nay ít được chú trọng, gần đây mới được đưa vào dạy lồng ghép trong chương trình giáo dục công dân các lớp nhỏ nhưng chỉ nặng về hình thức. Còn chuyện khi học lái xe thì còn tệ hơn, người ta chỉ dạy kỹ thuật lái và luật giao thông chứ không thấy có khoản nào nhắc nhở tới cách ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông! Vì vậy tình trạng lộn xộn, bát nháo trong giao thông như đã nêu sẽ còn tiếp tục dài dài.
PHẠM CHU SA