Sáng 30-11, những người đến tham dự triển lãm “Ông bà mình thời chưa có chai nhựa và túi nylon” khá ngạc nhiên và thú vị khi biết chủ nhân của buổi triển lãm là các em học sinh THCS và THPT.
Các thành viên trong dự án The Third Cycle đều là học sinh cấp III.
Đây là hoạt động đầu tiên của dự án The Third Cycle - Vòng đời thứ ba: “Cuộc sống mới cho những chiếc chai nhựa và túi nylon” thuộc nhóm The Cycle với bảy thành viên học sinh tại Hà Nội, nhỏ nhất đang học lớp 9.
Chia sẻ ý tưởng bắt nguồn dự án, Nguyễn Đức Minh Hoàng (học sinh lớp 12 Trường THPT Đoàn Thị Điểm, trưởng ban dự án) nói: “Em đã xem chương trình của Discovery, thật buồn khi nhìn thấy những loài động vật dưới biển chết vì ngậm phải túi nylon và chai nhựa. Ngay như cuộc sống hằng ngày, từ quán trà sữa đến cửa hàng tiện lợi, mọi người đang quá lạm dụng túi nylon và chai nhựa. Chúng em mong rằng thông qua dự án này, những chiếc chai nhựa và túi nylon sẽ có vòng đời khác, thay vì bị vứt xuống biển, đại dương, chúng được tái chế và sử dụng nhiều lần”.
Bảy nhân sự cho một dự án dài hơi kéo dài tám tháng, các em phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ: kêu gọi tài trợ, truyền thông, làm đồ handmade, tổ chức sự kiện, triển lãm… Chỉ trong vòng ba tháng, các em đã thu được hơn 20 triệu đồng từ tiền bán đồ hanmade, trong đó cả "dụ dỗ" cha mẹ mình đồng hành cùng dự án bằng cách mua hàng handmade do chính các em làm ra.
Ống inox, ống nhựa, túi vải thân thiện với môi trường do các bạn học sinh tự làm để gây quỹ cho dự án.
Một số tác phẩm trưng bày tại buổi triển lãm.
Buổi triển lãm đã tái hiện khung cảnh làng quê mộc mạc với những đồ dùng, đồ chơi trẻ em thân thiện với môi trường, có tính tái sử dụng cao hay bức ảnh về những chú cá bất lực trong chiếc túi nylon do nhiếp ảnh gia trẻ Đỗ Vy, thành viên của dự án, thực hiện. “Những bức ảnh như thước phim ngược về quá khứ, khi ông bà chúng ta chưa sống trong môi trường ngập túi nylon và chai nhựa như bây giờ” - Vy chia sẻ.
Khách tham quan đến với triển lãm đã ủng hộ dự án bằng cách mua ống hút tre, inox, túi vải. Bạn Thanh Thảo, sinh viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cho biết: "Mình rất ngưỡng mộ tinh thần của các bạn trẻ, tuổi còn nhỏ nhưng họ có suy nghĩ lớn để thực hiện một dự án rất ý nghĩa với môi trường. Nhờ có triển lãm này, mình nhận ra môi trường đang ô nhiễm rất nghiêm trọng, chúng ta đang sử dụng túi nylon mất kiểm soát. Chắc chắn mình sẽ hạn chế sử dụng túi nylon, ống nhựa, thay vào đó là túi giấy hay những thứ thân thiện với môi trường".
Chị Huyền Nhung (phụ huynh Gia Hân, một học sinh tham gia dự án) chia sẻ chị hoàn toàn ủng hộ con và cả nhà cũng hạn chế tối đa sử dụng túi nylon hay chai nhựa. “Bạn ấy rất hào hứng tham gia dự án và thường xuyên nhắc nhở mọi người. Bây giờ nhà chị đi siêu thị cũng không dùng túi nylon nữa” - chị Nhung nói.
Có thể nói triển lãm đã thành công bước đầu khi các bạn trẻ - những chủ nhân tương lai nhận thức được tầm quan trọng và có ý thức bảo vệ môi trường, từ đó thay đổi thói quen và nâng cao nhận thức của bạn bè, gia đình và cả xã hội.
Sau triển lãm “Ông bà mình thời chưa có chai nhựa và túi nylon", các bạn sẽ có một chiến dịch dài hơi thực hiện ở Hà Nội và TP.HCM, đến các trường tiểu học và THCS tổ chức các buổi giao lưu kêu gọi các bạn học sinh thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa và túi nylon. Cuối cùng là kêu gọi tài trợ, đặt 200 thùng phân loại rác tại các trường học và khu dân cư ở hai thành phố.
Đây không phải là lần đầu tiên Hoàng, Mai Ngân, Thy Ngân (những thành viên chủ chốt của The Cycle) tham gia các dự án tình nguyện, trước đó các em đã cùng quyên góp, lập tủ sách ủng hộ học sinh khó khăn ở Sa Pa trong chiến dịch The Fire Book hay “Thắp sáng đêm rằm” mang đến những tiết mục và món quà handmade ý nghĩa vào đêm Trung thu cho các em nhỏ ở Bệnh viện K Tân Triều.
"Những hoạt động tình nguyện không chỉ mang lại thông điệp và năng lượng tích cực cho cộng đồng mà còn giúp em trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội" - Hoàng chia sẻ.