Theo hãng tin Sputnik hôm nay (28-9), ông Zuckerberg đã cam đoan với bà Merkel rằng công ty ông đang thực hiện các bước trong việc chống lại tình trạng lan truyền nội dung cực đoan trên mạng xã hội.
Cuộc nói chuyện giữa người đứng đầu chính phủ Đức - bà Merkel và "CEO" Facebook - ông Zuckerberg đã bị nghe lén qua micro bên lề hội nghị thượng đỉnh phát triển Liên Hiệp Quốc tại New York hôm thứ Bảy tuần trước (26-9).
Bà Merkel đã đề cập trước ông Zuckerberg về vấn đề "phát ngôn thù hận", một chủ đề nổi cộm gần đây tại Đức. Tuy nhiên, vị giám đốc điều hành Facebook này đã trả lời một cách ngờ vực.
"Chúng tôi cần phải tiến hành một số công việc" - Zuckerberg nói. Sau đó Thủ tướng Merkel đáp lại rằng: "Có phải các bạn đang cố gắng giải quyết vấn đề này?". "Vâng, đúng vậy" là câu trả lời từ người sáng lập Facebook.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã có cuộc nói chuyện bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc (ảnh: Instagram)
Bà Merkel dường như quan tâm đến việc chống lại "phát ngôn thù hận" trên phương tiện truyền thông xã hội. Trước đó, bà đã từng nhận xét về vấn đề này trên tờ Rheinische Post của Đức.
"Khi mọi người khuấy động tình trạng nổi loạn trên các mạng xã hội bằng cách sử dụng tên thật của mình, không chỉ quốc gia phải hành động, mà Facebook với vai trò là một công ty nên làm điều gì đó để chống lại những người này" - bà Merkel nói với tờ báo trên hồi đầu tháng 9.
Sự quan tâm của bà Merkel xuất phát trong một cuộc họp gần đây giữa Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức Heiko Maas với các đại diện Facebook tại Berlin sau khi một làn sóng bình luận bài ngoại "làm chấn động" phương tiện truyền thông xã hội Đức giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu.
Facebook sau đó đã phản hồi rằng công ty này sẽ cải thiện cách thức mà công ty giải quyết trước những nhận xét bài ngoại trên trang web của Đức.