Facebook bị cáo buộc làm 'gián điệp NSA'

Đầu tuần qua, truyền thông quốc tế dẫn lời Ủy ban Bảo mật Bỉ (BPC) cho rằng mạng xã hội Facebook đang hoạt động như Cơ quan an ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Theo đó, Facebook bị cáo buộc theo dõi hoạt động và thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội ở châu Âu khi chưa được cho phép. Trước đó, BPC đã đâm đơn kiện Facebook vì hành vi gián điệp với người dùng châu Âu. Sự kiện này tiếp thêm căng thẳng xung quanh cách hoạt động của các tập đoàn mạng xã hội toàn cầu.

Từ độc quyền kiểu mới...

Cho đến thời điểm hiện tại, Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung bị không ít các nhà kinh tế học lên án, cáo buộc “độc quyền kiểu mới”, kiếm tiền dựa trên sự tham gia của người sử dụng. The Economist dẫn lại ý kiến cho rằng “Facebook đã tạo ra những mảnh đất màu mỡ và bảo chúng ta đến cày cấy trên mảnh đất ấy. Và rồi chúng ta đã ngoan ngoãn vâng lời mà chẳng ai biết chúng ta đang “cặm cụi” kiếm tiền cho doanh nghiệp mạng xã hội khổng lồ này”. Năm 2014, GS Jean Tirole (sinh năm 1953) - chủ nhân giải thưởng Nobel Kinh tế đã chứng minh rằng lập luận trên không phải là suy đoán vô căn cứ.

Theo The Guardian, các số liệu thống kê của trang web nghiên cứu thị trường eMarketer cho thấy doanh thu quảng cáo của Facebook đã tăng 20% so với năm 2014 nhờ vào người sử dụng. Doanh thu của Facebook (cũng như Twitter) ở đâu ra? Câu trả lời nằm gọn trong thuật ngữ “quảng cáo”. Thứ nhất, các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể buộc phải trả nhiều tiền hơn cho Facebook để có thể quảng cáo được sản phẩm của mình. Việc chi trả nhiều tiền hơn sẽ giúp thông tin quảng cáo xuất hiện trực diện hơn đến người dùng Facebook thông qua vị trí, cách thức, tần suất xuất hiện quảng cáo. Thứ hai, những nhà quản lý mạng xã hội tìm nhiều cách khác nhau để điều chỉnh tần suất xuất hiện quảng cáo khiến người dùng dễ nhìn thấy và tiếp cận quảng cáo cho dù họ muốn hay không.

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường quảng cáo của Facebook đã phát triển đến mức bão hòa, tuy nhiên với chiến lược phát triển không ngừng các sản phẩm mới, Facebook luôn có đất để “thu tiền” từ quảng cáo nhờ lượng người dùng “khủng”. Doanh thu tăng chóng mặt trong những năm qua chính là minh chứng cho thấy tiền chưa bao giờ ngừng chảy vào túi của tỉ phú trẻ Mark Zuckerberg - ông chủ Facebook. Điều gây tranh cãi nhất chính là khi người dùng đua nhau “kiếm tiền” cho Facebook thì đổi lại họ được lợi ích gì? Facebook có trả tiền cho những gì mà người dùng lao động tạo ra? Thậm chí, thông tin cá nhân của người dùng, nếu như đúng với cáo buộc của BPC, bị chuyển đến bên thứ ba (cơ quan an ninh, doanh nghiệp điều tra thị trường, các tổ chức…) vì một mục đích nào đó (như quảng cáo) thì người dùng có được bồi thường?

 
Facebook bị cáo buộc theo dõi hoạt động và thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội ở châu Âu khi chưa được cho phép. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo nhạc sĩ kiêm nhà nghiên cứu về Internet Jaron Lanier, tất cả dữ liệu, thông tin cá nhân của người dùng bị Facebook và Google - những công ty khổng lồ mà Jaron Lanier ví von là các “điệp viên” sử dụng cần được bồi thường xứng đáng. “Việc quy đổi thành tiền thông tin người dùng mạng xã hội là cách duy nhất để tạo ra sự cân bằng. Mọi người thường nhấn mạnh về quyền cá nhân và luật pháp, tuy nhiên cả hai thứ nay đều không thể theo kịp các nhà lập trình máy tính. Các lập trình viên (của mạng xã hội) tiến nhanh hơn sự phát triển của luật pháp. Tuy nhiên, việc “tiền tệ hóa thông tin” (thông qua bồi thường, trả phí cho người sử dụng…) sẽ khắc phục được sự mất cân bằng hiện tại” - Jaron Lanier nhận định.

Đến... gián điệp kiểu NSA

Theo The Mirror, việc Facebook cập nhật phiên bản mới của chế độ bảo mật thông tin sẽ khiến khả năng người dùng bị theo dõi càng tăng cao. Trước đây, Facebook tuyên bố không theo dõi người dùng, tuy nhiên hiện nay “gã khổng lồ” này đã công khai rằng các cập nhật mới về chế độ bảo mật có thể “theo dấu” các hoạt động trực tuyến của người dùng. Facebook đồng thời tuyên bố sẽ hoàn thiện các chức năng đảm bảo người dùng không nhìn thấy các quảng cáo mà họ không mong muốn. Tuy nhiên, theo The Mirror, dù Facebook có hứa hẹn ra sao thì người dùng vẫn phải “dính” đến “bên thứ ba” không mong muốn. Thậm chí, Facebook có thể “theo dấu” người dùng ngay cả khi họ đăng xuất tài khoản, thậm chí là không còn dùng Facebook nữa. Đây cùng chính là “mối lo ngại” về “gián điệp Facebook” với hàng tỉ người dùng.

Các luật sư đại diện cơ quan bảo mật dữ liệu Bỉ khẳng định Facebook đang vận hành theo kiểu NSA, thu thập thông tin như một “điệp viên” mà không có bất kỳ sự cho phép nào của người dùng mạng xã hội ở châu Âu. Trong các lập luận được đưa ra nhằm “tấn công” Facebook, Frederic Debussere, một luật sư đại diện cho BPC, cảnh báo “đừng để Facebook đe dọa” (đến quyền riêng tư của người dùng).

Vị này nhắc lại các tiết lộ “động trời” trước đây của “người tuýt còi” Edward Snowden về các hoạt động của NSA. Theo Snowden, thông qua NSA chính phủ Mỹ đã theo dõi người dân của họ qua dữ liệu của các công ty Internet và các hồ sơ điện thoại. Dù NSA và chính quyền Obama khẳng định mục đích của các chương trình này là để lần theo dấu vết khủng bố nước ngoài và phát hiện các mối đe dọa khủng bố, tuy nhiên không ít người dân Mỹ phẫn nộ vì quyền cá nhân bị xâm hại. “Khi cả thế giới đều biết rằng các gián điệp NSA đã tiến hành theo dõi người dân trên phạm vi toàn cầu, tất cả đều phẫn nộ. Facebook cũng đang làm một điều tương tự NSA đã làm, mặc dù bằng cách thức khác” - Frederic Debussere khẳng định trên tờ The Guardian.

Hồi tháng 5-2015, Chủ tịch BPC Bỉ Willem Debeuckelaere nhận định sự “can thiệp” của Facebook đối với đời sống cá nhân của người dùng mạng xã hội là thiếu tôn trọng. BPC đã tiến hành kiện Facebook vì “xem thường” luật pháp về đời tư của Bỉ và châu Âu. Báo cáo chi tiết của BPC về “tội trạng” của Facebook nêu rõ công ty mạng xã hội này đã “theo dõi” cả những người không còn dùng Facebook lẫn những người dùng đã đăng xuất tài khoản sử dụng vì mục đích quảng cáo. Trên cơ sở đó, nếu thua kiện, Facebook có thể phải trả mức án phạt 250.000 euro mỗi ngày vì không đảm bảo các yêu cầu về mặt pháp lý của BPC đặt ra.

Facebook lên tiếng

Facebook cũng nhiều lần bác bỏ các cáo buộc từ phía BPC. Công ty này cho rằng dữ liệu và các kết luận mà BPC nhắm vào Facebook là vô căn cứ. Một người phát ngôn của Facebook cho biết: “Chúng tôi sẽ chứng minh với tòa án cách thức mà Facebook bảo vệ người dùng khỏi sự quấy rầy, các phần mềm độc hại hay các cuộc tấn công khác - tất cả sẽ cho thấy cách vận hành của Facebook hoàn toàn phù hợp với pháp luật của EU cũng như hầu hết trang web phổ biến tại của Bỉ”.

Gã khổng lồ mạng xã hội cũng nhắc lại hoạt động và chính sách của Facebook tại châu Âu đều được giám sát và kiểm toán chặt chẽ bởi cơ quan bảo vệ dữ liệu Ireland. Trụ sở của Facebook ở châu Âu cũng được đặt tại TP Dublin của nước này. Paul Lefebvre, đại diện của Facebook cho rằng việc áp dụng luật pháp của Bỉ với Facebook là không hợp lý. Vị này phát biểu “làm thế nào Facebook lại phải chịu điều chỉnh bởi luật pháp của Bỉ trong khi việc quản lý thu thập dữ liệu lại được thực hiện bởi Facebook tại Ireland và 900 nhân viên của quốc gia này?”.

Công ty Facebook cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị hỗ trợ giải quyết các mối lo ngại từ phía cơ quan bảo vệ dữ liệu Bỉ. Tuy nhiên, các yêu cầu đó bị từ chối, thay vào đó là việc Bỉ kiện Facebook ra tòa và cáo buộc chúng tôi những điều mà chúng tôi không hề làm. Cơ quan bảo vệ dữ liệu Bỉ đang cố gắng ngăn chặn Facebook sử dụng công nghệ bảo mật dữ liệu bởi vì họ không hiểu gì về nó”. “Chúng tôi vẫn tiếp tục chào đón các cuộc thảo luận về vấn đề bảo mật thông tin trực tiếp với cơ quan bảo vệ dữ liệu Bỉ. Điều này vẫn tốt hơn nhiều so với việc nắm tay nhau đi hầu tòa” - phát ngôn viên Facebook cho biết.

Mỗi người dùng làm ra cho Facebook bao nhiêu tiền?

Trung bình cứ mỗi người dùng Facebook hiện nay trên thế giới mang về doanh thu cho “người khổng lồ mạng xã hội” số tiền 12,76 USD mỗi năm so với con số 10,03 USD hồi năm ngoái. Con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên liên tục trong thời gian tới, dự báo sẽ đạt mức 17,50 USD năm 2017. Tuy nhiên, số tiền mà người dùng mang lại cho Facebook không đồng đều. Mỗi người dùng Facebook ở ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ tạo ra 7,71 USD mỗi năm, còn mỗi người dân Hoa Kỳ giúp Facebook kiếm được 48,76 USD. So với mạng xã hội Facebook, “người khổng lồ Twitter” vẫn còn thua khá xa. Hiện mỗi người dùng Twitter mang đến cho công ty này 7,75 USD mỗi năm, trong khi con số này chỉ đạt 5,48 USD vào năm 2014. Đến năm 2017, số tiền mỗi người dùng dự kiến “đóng góp” hằng năm cho Twitter đạt mức 12,56 USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm