Ngày 2-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký luật rút lại việc Nga phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện, theo hãng thông tấn TASS.
Trước đó, ông Putin đề cập rằng theo nguyên tắc của Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện thì Nga không được thử vũ khí hạt nhân ở bất kỳ đâu. Mỹ cũng ký hiệp ước này nhưng không tuân thủ, vậy nên Nga có thể làm điều tương tự.
Theo TASS, động thái này sẽ giúp Nga cân bằng với Mỹ trong lĩnh vực thử hạt nhân. Giới chức Moscow cũng cho biết Nga sẽ không thử vũ khí hạt nhân, trừ khi Mỹ làm vậy.
Cùng ngày 2-11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước động thái trên của Nga.
Ông Blinken cho rằng việc Nga quyết định rút phê chuẩn và không tuân thủ Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện sẽ khiến các nước mất lòng tin lẫn nhau trong việc hạn chế phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Robert Floyd - người đứng đầu tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện cũng bày tỏ quan ngại trước động thái mới từ Nga.
"Quyết định hôm nay của Liên bang Nga về việc hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện là rất đáng thất vọng và vô cùng đáng tiếc. Đây có thể là một sự trượt dốc trong nỗ lực ngăn các nước phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân”- ông Floyd nói.
Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện được các nước thông qua năm 1996. Hiệp ước này cấm các nước dùng vũ khí hạt nhân và thực hiện các vụ thử hạt nhân cho mục đích quân sự và dân sự. Nó đã được 178 quốc gia ký kết tuân thủ. Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên chưa ký hiệp ước. Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Israel và Iran đã ký vào hiệp ước, song đã hủy bỏ việc tuân thủ hiệp ước này.