Hiện nhiều nhân vật trong quân đội Trung Quốc đang gây áp lực để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có phản ứng bạo lực với phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế bác tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò Trung Quốc ở biển Đông, xử Trung Quốc thua trong vụ kiện với Philippines.
Sau phán quyết của Tòa Trọng tài xuất hiện một làn sóng biểu tình giận dữ ở Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngập đầy những bài viết chỉ trích phán quyết.
Đến giờ Trung Quốc vẫn chưa thể hiện động thái gì sẽ có phản ứng mạnh hơn. Thay vào đó Trung Quốc kêu gọi một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán, trong khi vẫn tuyên bố bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Dân Trung Quốc theo dõi thông tin về biển Đông qua truyền hình công cộng ở Bắc Kinh giữa tháng 7. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, hãng tin Reuters (Mỹ) đã phỏng vấn bốn nguồn tin thân cận với mối quan hệ giữa quân đội và chính phủ Trung Quốc cho biết hiện một số nhân vật quân đội Trung Quốc đang vận động để chính phủ Trung Quốc đồng ý phản ứng mạnh hơn, nhiều khả năng là phản ứng vũ trang nhắm vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Các nguồn tin yêu cầu được giấu tên.
“Quân đội Giải phóng Trung Quốc đã sẵn sàng” - Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận quân đội Trung Quốc.
Một nguồn tin cho biết quân đội Trung Quốc đang trong trạng thái hiếu chiến. “Mỹ sẽ làm điều Mỹ phải làm. Chúng ta cũng sẽ làm điều chúng ta sẽ làm. Toàn bộ quân đội đã được tôi cứng. Đó quả là một sự mất mặt lớn”.
Nhiều quan chức quân đội về hưu và nhiều học giả liên quan quân đội Trung Quốc cũng thúc giục chính phủ Trung Quốc có phản ứng vũ trang.
Khi được hỏi liệu có phải quân đội Trung Quốc đang làm áp lực để chính phủ Trung Quốc đồng ý có phản ứng mạnh hơn, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân dù không xác nhận nhưng khẳng định quân đội sẽ kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và quyền hàng hải, hòa bình và ổn định của Trung Quốc, cũng như sẽ đối mặt với bất cứ đe dọa hay thách thức nào.
Trong khi đó theo Reuters, dù chủ trương cải cách quân đội để nâng cao khả năng chiến đấu, ông Tập Cận Bình vẫn bảo lưu quan điểm Trung Quốc cần một môi trường đối ngoại ổn định để tập trung giải quyết các vấn đề phát triển nội tại, trong đó vực dậy nền kinh tế đang trì xuống. Và không nhiều người tin rằng Trung Quốc sẽ có động thái mạnh nào về vụ biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc sắp chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 9 tới.
Tuy thế, thái độ gay gắt của nhiều nhân vật trong quân đội Trung Quốc về phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế làm gia tăng rủi ro những sự cố khiêu khích, va chạm nhỏ trên biển Đông có thể sẽ leo thang thành xung đột nghiêm trọng.
Reuters dẫn các nguồn tin và nhiều nhà ngoại giao nước ngoài làm việc tại Trung Quốc rằng các lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ hệ lụy nguy hiểm của xung đột.
“Họ rất lo ngại về phản ứng quốc tế.”, một quan chức ngoại giao nước ngoài nhận định sau nhiều cuộc nói chuyện với nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc.
“Họ thật sự muốn quay lại các cuộc đàm phán. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ kỹ càng về những phản ứng tiếp theo”.
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại.
Mỹ cũng muốn có sự ổn định ở biển Đông khi đưa Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice đến Trung Quốc tuần rồi kêu gọi bình tĩnh. Mỹ cũng ngầm thuyết phục các nước trong khu vực kiềm chế sau phán quyết, bớt kích động Trung Quốc.
Chưa rõ quân đội Trung Quốc đã có bước chuẩn bị vũ trang gì chưa nhưng các chuyên gia quốc tế đang quan tâm nhiều đến khả năng Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông - một cách trái phép, yêu cầu máy bay các nước phải thông báo với Trung Quốc khi bay qua vùng trời biển Đông.
Các khả năng khác mà những nguồn tin thân cận quân đội Trung Quốc tiết lộ là quân đội Trung Quốc có thể đưa tên lửa lên các máy bay ném bom tuần tra biển Đông, nhắm vào các mục tiêu ở Philippines và Việt Nam.
Theo đại tá quân đội Trung Quốc về hưu Yue Gang, việc Trung Quốc đưa ra thông tin sẽ cho máy bay tuần tra thường xuyên vùng trời biển Đông cho thấy nước này muốn từng bước hạn chế dẫn đến chấm dứt việc Mỹ cho máy bay tuần tra tự do hàng không ở biển Đông.
Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài ở Trung Quốc nhận định nếu có phản ứng mạnh về phán quyết, Trung Quốc sẽ chọn thời gian sau khi chấm dứt hội nghị G20 và quá trình diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao, đây là một phán đoán sai lầm của Trung Quốc vì Mỹ sẽ không ngồi yên để mặc Trung Quốc muốn làm gì thì làm.