Mới đây Trung Quốc thông báo sẽ tập trận hải quân chung với Nga nhưng thời điểm là vào tháng 9 tới. Tại sao phải là tháng 9 mà không phải bây giờ?
Theo nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng Harry J. Kazianis tại Trung tâm Quyền lợi quốc gia (Mỹ) và là Tổng Biên tập tạp chí The National Interest (Mỹ), sự trì hoãn này có liên quan đến hai sự kiện chính trị lớn: hội nghị thượng đỉnh G20 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Ông Kazianis nhận định từ giờ tới tháng 9 Trung Quốc vẫn sẽ kiềm chế ở biển Đông dù rất căm vụ phán quyết của Tòa Trọng tài xử Trung Quốc thua trong vụ kiện biển Đông với Philippines. Sau tháng 9, phản ứng của Trung Quốc mới thật sự bùng nổ và vào thời điểm có thể thế giới không ngờ đến.
Nhà phân tích Harry J. Kazianis nhận định Trung Quốc sẽ lợi dụng sự kiện bầu cử Mỹ để khuấy động biển Đông. (Ảnh: ALAMY)
Hay nói cách khác, hai sự kiện chính trị hội nghị thượng đỉnh G20 và bầu cử tổng thống Mỹ quyết định thái độ của Trung Quốc ở biển Đông.
Trung Quốc lần đầu tiên sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 4-5 tháng 9 tới ở Hàng Châu.
Trung Quốc luôn muốn xây dựng hình ảnh mình là một siêu cường đang lên, là một đối tác tốt, chứ không phải là kẻ đi gây chuyện.
Trung Quốc sẽ không muốn có rủi ro kịch tính nào trong dịp hội nghị quan trọng này, cho nên sẽ không khuấy động biển Đông để mất mặt vào thời điểm này. Nhà phân tích Kazianis tin chắc Trung Quốc sẽ kiềm chế cuộc tập trận chung với Nga đến sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc.
Mỹ là nước duy nhất có khả năng ngăn Trung Quốc gây chuyện. Tuy nhiên, thời điểm tháng 9, mức độ quan tâm ra bên ngoài của Mỹ sẽ giảm hẳn đi vì bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống - tổng tư lệnh quân đội mới. Truyền thông Mỹ và cả truyền thông toàn cầu cũng sẽ dồn sự chú ý vào cuộc chiến giữa hai đối thủ Hillary Clinton và Donald Trump, vào những cuộc tranh luận sắp đến.
Thời điểm này dù Trung Quốc có tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông hay bắt tay cải tạo bãi cạn Scarborough thì cũng không bị truyền thông thế giới chú ý nhiều bằng lúc trước. Vì cả thế giới đang bận theo dõi từng phát ngôn, từng tranh cãi của bà Clinton và ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Do đó với Trung Quốc, đây có thể là thời điểm tốt nhất để có phản ứng mạnh mẽ ở biển Đông, khi thế giới chuyển hướng chú ý về một nơi khác.
Từ tháng 9 trở đi đến hết năm là thời gian cuối nhiệm kỳ Tổng thống Obama. Theo nhà phân tích Kazianis, chính phủ ông Obma có thể muốn thời gian này trôi qua suôn sẻ, không vướng vào rắc rối ở châu Á. Và đây là cơ hội cho Trung Quốc.
Thêm nữa việc chưa rõ ai sẽ nắm quyền lực ở Mỹ sắp tới và quan điểm của người đó đối với châu Á thế nào có thể sẽ khiến Trung Quốc tung đòn mạo hiểm, nắn gân lãnh đạo mới của Mỹ.