Ông trùm trong tài chính, thương trường

Cơ quan CSĐT Bộ Công an ngày 21-8 đã thông báo: Căn cứ đơn tố giác vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội đều do ông Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch HĐQT. Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Kiên vào tối 20-8 về tội kinh doanh trái phép, theo Điều 159 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, công chúng biết tới ông Kiên giữ vai trò chủ chốt ở một số công ty khác nhau, trên nhiều lĩnh vực từ tài chính, du lịch, đến bóng đá: phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), chủ tịch Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội, phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB...

Ở lĩnh vực tài chính, ông Kiên đang giữ chức chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu. Giá trị tài sản tính theo số cổ phiếu ACB ông Kiên nắm giữ vào năm 2011 vào khoảng 759,6 tỉ đồng, đứng thứ 14 trong tốp 100 nhà đầu tư giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Ông Kiên cũng được đánh giá là “ông trùm” của các ngân hàng Eximbank, ACB, STB… Đến trước khi thôi làm thành viên HĐQT của ACB, vợ chồng ông Kiên và ba người em của ông Kiên nắm giữ 9,71% cổ phần của ACB. Trong đó, ông Kiên nắm giữ 3,75% và vợ ông Kiên nắm giữ 4,11%.

Ông trùm trong tài chính, thương trường ảnh 1

Ảnh: XUÂN HUY

Trong thương trường, ông Kiên khá nổi. Ông từng tham gia HĐQT Công ty Liên doanh dầu nhờn Caltex (Mỹ), Công ty Liên doanh KFC Việt Nam, có chân trong HĐQT độc lập Cổ phần Dịch vụ Du lịch Chợ Lớn và Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh. Đầu năm 2011, Công ty Thiên Minh bỏ ra 45 triệu USD để mua lại chuỗi resort Victoria.

Về lĩnh vực bóng đá, ông được mọi người gọi là bầu Kiên vì là một trong những doanh nhân đầu tiên làm bóng đá ở Việt Nam. Ông hiện là chủ sở hữu của CLB Bóng đá Hà Nội. Năm 2011, ông Kiên cùng bầu Đức, bầu Thắng là người khởi xướng thành lập Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), giữ chức phó chủ tịch VPF.

Ba công ty mà ông Kiên nắm giữ bị tố vi phạm pháp luật phần lớn liên quan đến lĩnh vực bất động sản, chủ yếu là xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe, xây dựng và kinh doanh sân golf…

Ông Kiên tuy hiện không tham gia điều hành ở một ngân hàng nào nhưng ông và người thân là cổ đông chính tại một số ngân hàng thương mại lớn.

Trong ngày 21-8, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, xác nhận: Ông Lý Xuân Hải, Tổng Giám đốc ACB, được cơ quan công an mời để cung cấp thông tin các vấn đề liên quan đến ông Kiên và ông Hải hợp tác rất tốt với phía cơ quan điều tra. Trong thư gửi đến các chi nhánh, lãnh đạo ACB cho biết: Việc vắng mặt của ông Hải không ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngân hàng do đã có nhân sự chủ chốt tạm thời thay thế, dưới sự giám sát của HĐQT.

Không ảnh hưởng hoạt động ngân hàng

NHNN lên phương án hỗ trợ thanh khoản cho ACB.

Trong sáng 21-8, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có cuộc họp khẩn với Vụ Chính sách Tiền tệ và ACB để lên phương án ứng phó với thị trường. Tại buổi họp, Thống đốc đã giao cho các đơn vị của NHNN và ACB làm việc với NHNN chi nhánh các địa phương, theo dõi sát diễn biến trên địa bàn, có biện pháp hỗ trợ thanh khoản cho ACB nếu có hiện tượng rút tiền hàng loạt.

Chiều 21-8, Ngân hàng ACB Chi nhánh Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình, TP.HCM), 16 giờ 30, nơi này vẫn còn khách đến đòi rút tiền. Bà Nguyễn Lệ Thanh (quận Tân Bình) nói: “Sáng nay đọc báo thấy ông Kiên bị bắt, lại thấy nhiều người khác cũng rỉ tai nhau đến rút quá trời”.

Mặc dù đã hết giờ giao dịch nhưng tại Chi nhánh Nguyễn Tri Phương vẫn có đông người dân đến rút tiền. Chi nhánh này đã cử riêng một nhân viên khuyên người dân quay lại vào ngày 22-8, đồng thời động viên người dân không nên lo ngại.

Cũng tại chi nhánh này, thông báo của NHNN liên quan đến vụ bắt bầu Kiên đã được chi nhánh in ra để người dân có thông tin và yên tâm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đề nghị được rút tiền. “Gia đình chúng tôi có gửi vài trăm triệu đồng tại ngân hàng này. Chúng tôi cũng thử đến chi nhánh tại Nguyễn Thị Minh Khai nhưng ở đó cũng đã có cả biển người đòi rút tiền. ” - một khách hàng nói.

Tuy vậy, cũng có người nêu quan điểm rõ ràng. “Việc ông Kiên bị bắt không làm tôi lo lắng do ông này nắm số cổ phần ít mà cũng không điều hành ngân hàng. NHNN đã thông báo kiểm soát chặt chẽ, không có chuyện NH phá sản nên tôi không lo” - anh Đỗ Mạnh Hảo, ngụ quận Tân Bình, đang chờ rút tiền để mua đất ở Chi nhánh ACB Maximark Cộng Hòa, nói. Đó  cũng là quan điểm, anh Trung ở Phòng giao dịch Ngân hàng ACB Chi nhánh An Sương, quận 12.  Tại trụ sở chính ACB Hà Nội (phố Bà Triệu), ông Huỳnh Quang Tuấn, Phó Tổng Giám đốc ACB, khẳng định: “Trong ngày 21-8, lãnh đạo ACB liên tục nhận các cuộc gọi của khách hàng để thăm dò tình hình, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bất thường. ACB có thâm niên hoạt động gần 20 năm, chúng tôi đã có kinh nghiệm xử lý các sự việc tương tự”.

 NHÓM PV

Cổ phiếu đỏ sàn

Tin ông bầu Kiên ngày 21-8 bị bắt đã gây chấn động mạnh đến thị trường chứng khoán. Các cổ phiếu liên quan đến ông này là ACB (Ngân hàng Á Châu - sàn Hà Nội), EIB (Eximbank) và STB (Sacombank) tại sàn TP.HCM đã rớt về giá sàn ngay khi thị trường mở cửa. Trên màn hình điện tử ở cột bán cổ phiếu ACB, STB, EIB đầy ắp, còn cột mua trống hoác. Các nhà đầu tư cho đến bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán đều đẩy mạng bán ra các cổ phiếu trên.

Kết thúc phiên giao dịch  ngày 21-8, cổ phiếu ACB giảm sàn, mất 1.800 đồng/CP, tương ứng giảm 6,9% xuống 24.100 đồng/cổ phiếu. Với khối lượng cổ phiếu ACB mà ông Nguyễn Đức Kiên đang nắm giữ, chỉ trong ngày, khối tài sản của ông Kiên đã bị hụt mất 63,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại ACB, "người nhà" ông Kiên cũng đóng vai trò là cổ đông với lượng cổ phiếu nắm giữ đáng kể. Vợ và hai người em của ông Kiên cũng bị hao hụt khoảng trên 100 tỷ đồng.

Sở dĩ cổ phiếu ACB biến động mạnh vì ông Kiên đang là phó chủ tịch Hội đồng sáng lập tại ACB, ông nắm giữ 35.167.245 cổ phiếu ACB (chiếm 3,75% vốn của ACB).

Theo một số chuyên gia, tin bắt giam ông Kiên là sẽ khiến cho tâm lý nhà đầu tư, thị trường còn xáo trộn trong vài ngày tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần bình tĩnh và nên chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bắt đáy trong giai đoạn này và ngoài ra có thể cân nhắc giảm bớt tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục. Có ý kiến cảnh báo: cẩn trọng với hiện tượng đầu cơ cổ phiếu, “Có một số người đã hỏi tôi khi cổ phiếu xuống thì có nên gom hay không” - chuyên gia này nói.

BN - YT

________________________________________________

Chúng tôi đã kiểm tra lại thì bản thân ông Nguyễn Đức Kiên và Ngân hàng Á Châu không là cổ đông của Ngân hàng Sacombank, hoạt động của Sacombank hiện vẫn ổn định.

Ông PHAN HUY KHANG, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank

Hoạt động của ACB không có gì bất thường. Việc ông Kiên bị bắt về các hành vi làm trái trong những hoạt động kinh tế là chuyện cá nhân. Ông Kiên là cổ đông của ACB nhưng số cổ phiếu không phải nhiều và ông Kiên cũng không tham gia vào điều hành.

Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, hiện ACB đã có phương án chi trả tiền cho khách hàng và phương án này đã trình NHNN, NHNN cũng đã thống nhất sẽ hỗ trợ ACB hết mức nếu có tình huống xấu là người dân đến ngân hàng rút tiền nhiều.

Ông NGUYỄN THANH TOẠI, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm