Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5-1 lên tiếng đe dọa trừng phạt nặng Iraq nếu quân Mỹ buộc phải rời khỏi quốc gia Trung Đông này, kênh truyền hình tài chính CNBC đưa tin.
Ông Trump lên tiếng sau khi Quốc hội Iraq bỏ phiếu cùng ngày thông qua một nghị quyết yêu cầu tất cả lực lượng quân sự nước ngoài rời khỏi quốc gia Trung Đông. Quốc hội Iraq đi bước này sau khi Mỹ không kích tiêu diệt Thiếu tướng Qassem Soleimani - chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Đáp trả động thái này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "đề nghị thảo luận" với Iraq về căn cứ quân sự Balad của Mỹ ở quốc gia này. Ông Trump đe dọa Iraq có thể phải chịu các biện pháp trừng phạt còn nặng nề hơn cả các biện pháp trừng phạt Mỹ đang áp đặt lên Iran nếu như quân Mỹ buộc phải rời khỏi căn cứ quân sự quan trọng này.
Quốc hội Iraq đã thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt hiện diện quân sự nước ngoài. Ảnh: REUTERS
Từ tuyên bố của ông Trump có thể hình dung tầm quan trọng của căn cứ quân sự Balad đối với lực lượng Mỹ ở Trung Đông. Căn cứ này nằm cách thủ đô Baghdad chỉ 80 km về phía bắc.
"Chúng ta có một căn cứ không quân vô cùng tốn kém ở đó. Rất lâu trước khi tôi trở thành tổng thống Mỹ, căn cứ này đã tiêu tốn hàng tỉ USD để xây dựng. Chúng ta sẽ không rời đi nếu họ (Iraq - PV) không trả lại khoản tiền đó cho chúng ta" - ông Trump trả lời PV từ trên chuyến bay của Không lực Một.
"Nếu họ bắt chúng ta phải rời đi và nếu chúng ta không thực hiện điều đó trên tinh thần hữu nghị, chúng ta sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mà họ chưa từng nhìn thấy trước đó. Chúng sẽ làm cho các biện pháp trừng phạt Iran trở nên không còn nguy hiểm nữa" - ông Trump nói tiếp.
Cuối cùng, tổng thống Mỹ nhấn mạnh: "Nếu có bất kỳ sự thù địch nào, nghĩa là họ (Iraq - PV) làm những điều mà chúng ta cho là không phù hợp, chúng ta sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt, các biện pháp trừng phạt rất nặng nề lên Iraq".
Cuộc tấn công vào rạng sáng 3-1 ở sân bay quốc tế Baghdad, tiêu diệt tướng Soleimani của IRGC và nhiều tướng lĩnh của Lực lượng huy động nhân dân Iraq (PMF) đã làm quan hệ giữa Mỹ và Iraq trở nên căng thẳng chưa từng có kể từ khi Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003.
Hôm 4-1, căn cứ không quân Balad đã bị hai tên lửa Katyusha bắn trúng. Ngoài ra, một tên lửa khác đã nhắm vào Quảng trường Lễ kỷ niệm gần Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Sau đó, nhóm dân quân Kata'ib Hezbollah thuộc PMF đã cảnh báo lực lượng an ninh Iraq tránh xa các căn cứ của Mỹ. Lực lượng dân quân này từng chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và được chính phủ Iraq chấp thuận.
Nhóm này là đối tượng tấn công của Mỹ trong một vụ không kích ngày 29-12-2019 làm bùng phát cuộc biểu tình và tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Các quan chức Washington cho rằng vụ biểu tình đã khiến Tổng thống Trump phải "miễn cưỡng" lựa chọn phương án tấn công tiêu diệt tướng Soleimani để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai nhắm vào công dân Mỹ ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Vụ tấn công đã gây ra làn sóng phẫn nộ của chính quyền và nhân dân Iran, đặt quan hệ ba bên Mỹ, Iran và Iraq, cũng như cả khu vực Trung Đông trong tình trạng báo động.