"Tôi biết rất nhiều người ở Iran, đây là những người tuyệt vời. Họ (Iran) có cơ hội trở thành một đất nước tuyệt vời, với cùng ban lãnh đạo. Chúng tôi không tìm kiếm sự thay đổi chế độ, tôi chỉ muốn làm rõ điều đó", ông Trump phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo, đồng thời nói thêm rằng "chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận" với Tehran.
Theo hãng tin Sputnik, ông Trump đang ở Nhật Bản trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, người được coi là đồng minh thân cận nhất của ông Trump ở châu Á, đã được báo chí địa phương loan tin đang cân nhắc đi thăm Iran vào tháng 6 trong một nỗ lực nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Washington và Tehran.
Tờ Yomiuri Shimbun ngày 27-5 dẫn các nguồn tin chính phủ nói rằng ông Abe đã cho ông Trump biết ý định của mình trong một cuộc trò chuyện riêng tư, và nhà lãnh đạo Mỹ ủng hộ ý tưởng này.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao hàng đầu của Iran cho biết hôm 26-5 rằng Tehran sẵn sàng đàm phán với tất cả các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư nhưng bác bỏ mọi cuộc đàm phán trực tiếp và gián tiếp với Mỹ.
Ông Trump (trái) đang có chuyến thăm Nhật. Ảnh: REURTERS
Sau một thời gian cải thiện quan hệ dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, quan hệ Mỹ-Iran đã dần xấu đi kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức. Căng thẳng bắt đầu leo thang vào năm ngoái sau khi ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, với lý do không thể ngăn nước này theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Washington tiếp tục tái lập các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với quốc gia giàu dầu mỏ này, tập trung vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran cũng như các lĩnh vực ngân hàng và vận tải biển của nước này.
Iran và các bên ký kết còn lại – gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức - đã nhiều lần lên án các biện pháp trừng phạt và lý do vận dụng các biện pháp đó. Vào ngày 15-5, Tehran đã từ bỏ một số phần của thỏa thuận hạt nhân và cho Liên minh châu Âu (EU) thời hạn 60 ngày để cung cấp các biện pháp hữu hiệu để giúp Iran tránh được các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đồng thời đe dọa đẩy mạnh hoạt động làm giàu uranium.
Gần đây, Lầu Năm Góc bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực lân cận Iran với lý do chống một mối đe dọa quân sự không xác định từ Iran. Ngoài việc triển khai một tàu sân bay và một phi đội máy bay ném bom đến Trung Đông, Mỹ đã gửi một đoàn xe quân sự và quân đội từ Jordan đến Iraq và sắp phái thêm 1.500 binh sĩ.