Park Geun-hye: Niềm vui thật ngắn, buồn đau quá dài

Hôm nay, Quốc hội Hàn Quốc sẽ bỏ phiếu yêu cầu luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Bà Park bị cáo buộc cho phép bạn thân Choi Soon-il và một cố vấn gây sức ép buộc các tập đoàn lớn quyên tiền cho hai quỹ của bà Choi, cũng như để bà Choi can thiệp vào công việc chính phủ.

Sự nghiệp, uy tín và chiếc ghế tổng thống của bà sẽ được quyết định sau ngày hôm nay. Nhưng thực ra với bà Park, cuộc sống của bà đã thay đổi hoàn toàn kể từ ngày vụ bê bối xảy ra, theo New York Times.

Từ sau khi vụ việc xảy ra hồi tháng 10, bà Park vẫn cố gắng giữ sự hoạt động bình thường của chính phủ, qua các bổ nhiệm đại sứ, thứ trưởng, cũng như xúc tiến ký hiệp ước chia sẻ tình báo quân sự với Nhật.

Tuy nhiên, bà Park phần lớn tránh xuất hiện công khai, sống tách biệt, cô đơn ngày qua ngày trong dinh tổng thống, cũng là nơi bà từng trải qua thời thơ ấu nhiều sóng gió khi cha bà là ông Park Chung Hee làm tổng thống. Bà Park hiện đã ngừng dự họp nội các và họp văn phòng dinh tổng thống.

Khoảng 1,7 triệu người biểu tình ở Seoul ngày 3-12 yêu cầu bà Park từ chức. Ảnh: REUTERS

Lần cuối cùng bà tiếp chính khách quốc tế là vào ngày 10-11. Đó là khi bà đón phái đoàn tổng thống Kazakhstan. Đây cũng là ngày bà nói chuyện điện thoại với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Cô đơn trong dinh tổng thống

Ở tuổi 64, bà Park hiện không có chồng con. Em trai và em gái của bà thì đã không còn liên lạc trong nhiều năm. Ba cố vấn tin cậy nhất của bà đã bị sa thải, một người bị đi tù. Người bạn thân nhất của bà Choi Soon-sil cũng đã vào tù.

New York Times dẫn lời một số cố vấn của bà Park cho biết thời gian này bà có rất ít người đến thăm. Bên cạnh bà nhiều nhất bây giờ là hai chú chó giống Jindos Hàn Quốc màu trắng, rất trung thành.

Bà Park đã ba lần công khai xin lỗi người dân trên truyền hình. “Trái tim tôi như bị ai bóp chặt, khi tôi biết tôi không thể xua tan sự thất vọng và giận dữ của mọi người dù tôi có xin lỗi 100 lần đi nữa” - bà chia sẻ trên sóng truyền hình quốc gia. Trong một lần xin lỗi dân, bà Park chia sẻ đã có không biết bao nhiêu đêm mất ngủ và hối tiếc vì đã trở thành tổng thống.

Bà Park xin lỗi người dân ngày 25-10. Ảnh: AP

“Bà ấy ngày càng xanh xao, nhợt nhạt. Bà ấy đã nhiều lần nói xin lỗi các nghị sĩ trong đảng” - New York Times dẫn lời ông Chung Jin-suk, lãnh đạo đảng Saenuri cầm quyền của bà Park. Ông Chung đến thăm bà Park ngày 6-12.

Theo người phát ngôn của bà Park ông Jung Youn-kuk, nữ tổng thống biết rõ hằng tuần ở Seoul đều có biểu tình yêu cầu bà từ chức, với quy mô ngày càng lớn, từ 20.000 người sáu tuần trước đến 1,7 triệu người cuối tuần rồi. Địa điểm biểu tình có khi chỉ cách dinh tổng thống vài trăm mét. “Tổng thống nghe tiếng hô của người dân - Đuổi bà ấy đi! - với trái tim nặng trĩu” – ông Jung chia sẻ.

Tìm bình yên từ tâm linh

Các cố vấn từ chối không nói về sinh hoạt và tâm trạng của bà Park, chỉ nói rằng bà đang đón nhận sự khủng hoảng một cách dũng cảm và đang làm hết sức để đối phó với nó.

Họ cho biết bà Park đã mời một số linh mục và một nhà sư đến dinh tổng thống tháng trước để cho bà lời khuyên. Các cố vấn không tiết lộ các linh mục và nhà sư nói với bà Park điều gì, chỉ nói nhà sư có nói với bà Park một câu trong kinh Phật - “Cây muốn có quả thì trước hết phải có hoa”.

Với nhiều người ở Hàn Quốc, hoa của bà Park đã đến quá rõ. Tỉ lệ ủng hộ bà rớt thảm hại xuống mức thấp nhất với một tổng thống kể từ khi Hàn Quốc dân chủ hóa cuối thập niên 1980. Các chủ cửa hàng, nhà hàng khắp nước đã rút hết hình bà Park xuống, mà một thời họ treo lên một cách tự hào.

Thậm chí tại TP quê hương Daegu - nơi bà Park về thăm tuần trước, bà Park cũng đối mặt với biểu tình đòi bà từ chức. Tâm trạng nặng nề, buồn bã khiến bà Park đã phải quay vội vào xe và khóc sau khi đi thăm một ngôi chợ cổ hư hỏng nặng vì cháy, các trợ lý của bà cho biết.

Trước bà Park, năm 2008, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Lee Myung-bak cũng từng bị dân biểu tình trong nhiều tuần liền phản đối ông bỏ lệnh cấm nhập thịt bò Mỹ trong thời điểm đang có dịch bò điên. Thời điểm đó, có đêm ông Lee leo lên ngọn đồi Bugak phía sau dinh tổng thống, vừa khóc vừa nhìn về trung tâm Seoul, nơi người dân đang đốt nến biểu tình.

Niềm vui thật ngắn, buồn đau quá dài

Với bà Park, dinh tổng thống là nơi có quá nhiều kỷ niệm u buồn. Bà vào nơi này theo cha lúc chín tuổi. Ở tuổi 22, bà thay mẹ thực hiện các nghĩa vụ ngoại giao và lễ tân của đệ nhất phu nhân sau khi mẹ bị ám sát. Năm 1979 bà rời khỏi dinh tổng thống sau khi cha bị ám sát, và trở lại năm 2013 với tư cách tổng thống.

Bà Park, đứng sau cùng cùng với cha mẹ và hai em. Ảnh: REUTERS

Giữa thời gian này, bà Park sống một cuộc sống ẩn dật ở nam Seoul, trong một ngôi nhà tràn đầy hình ảnh và dấu tích của cha mẹ mình.

“Ngôi nhà của bà ấy như một bảo tàng về cố Tổng thống Park Chung-hee. Như thể bà ấy đã dừng cuộc sống của mình lại thập niên 1970 và dành nhiều thời gian nói chuyện với người cha đã mất của mình” - nhà báo Choi Sang-yeon tại nhật báo JoongAng Ilbo kể về chuyến thăm nhà bà Park 10 năm trước. Theo ông Choi, không khí trong nhà rất “nặng nề và u ám”.

Trong một bài ký sự năm 1993 với nhan đề “Sẽ thế nào nếu tôi sinh ra trong một gia đình bình thường?”, bà Park viết về lịch sử bi kịch của gia đình và nỗi buồn của mình: “Trong cuộc sống của tôi, những lúc vui vẻ chẳng thấm gì so với những thời điểm đau buồn”.

Theo New York Times, cuộc sống tách biệt và nhiều nỗi buồn có thể là nguồn cơn của thói quen khép kín của bà. Bà Park có lần cho biết bà thường ngồi một mình trong đêm đọc các báo cáo chính phủ. Một cựu đầu bếp của bà nói với một tạp chí Hàn Quốc rằng bà thường ăn tối một mình, vừa ăn vừa xem truyền hình.

Bà Park đã cắt đứt quan hệ với em gái và em trai mà theo như lời bà nói là để ngăn chặn nguy cơ gia đình trị, một nguyên nhân thất bại của các tổng thống Hàn Quốc trước.

Khi phà Sewol chìm năm 2014 giết chết hơn 300 người - một trong những thảm họa nghiêm trọng nhất Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ - Chánh Văn phòng tổng thống Kim Ki-choon nói ông đã không thể tìm thấy bà Park ở đâu trong bảy giờ liền. Việc bà Park ở đâu trong giờ khắc quan trọng đó đã từng là tâm điểm của các đồn đoán trong thời gian dài.

Mới đây ông Kim đã tiết lộ, bà Park lúc đó có mặt trong dinh tổng thống nhưng không ở trong phòng làm việc chính và không hay biết về vụ chìm tàu. “Tôi chỉ biết bà ấy có mặt ở dinh tổng thống. Tôi không biết rõ lắm về cuộc sống cá nhân của bà trong dinh” - ông Kim nói trong cuộc điều trần với Quốc hội Hàn Quốc ngày 7-12.

Bà Choi-Soon-sil, tâm điểm vụ bê bối bà Park đang dính vào - hiện đã vào tù. Ảnh: REUTERS

Người bạn và là cố vấn tin cậy nhất của bà Park trong nhiều năm qua là bà Choi Soon-sil. Bà đã làm bạn với gia đình bà Choi từ khi cha bà còn là tổng thống. Sau khi trở thành tổng thống, bà Park vẫn tiếp tục nhờ bà Choi cố vấn trang phục và các vấn đề cá nhân khác của mình.

Trong những lời xin lỗi của mình, bà Park dù nói không thể tha thứ cho mình vì lơ là cảnh giác với bà Choi nhưng cũng thừa nhận bà Choi đã giúp bà rất nhiều trong những thời điểm “cô đơn” và “khó khăn”.

Có vẻ sự tiếc nuối và nhận lỗi của bà Park là quá muộn màng và quá ít ỏi để lấp đầy những bức xúc của người dân. Những bức xúc đã nhiều đến nỗi dường như không còn nơi nào cho lòng cảm thông và tha thứ.

Cuối tuần rồi, đám đông biểu tình bên ngoài dinh tổng thống vẫn liên tục la to: “Nếu quá cô đơn, sao bà không vào tù luôn để gặp Choi Soon-sil?”. Những tiếng kêu phẫn nộ và lạnh lùng của người dân cứ tiếp tục phủ bóng lên cuộc đời vui chẳng bao nhiêu mà buồn đau thì như vô tận của nữ chính trị gia Hàn Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới