PGS.TS Trần Thành Nam: ‘Phải ý thức được nguy cơ tiềm ẩn khi đăng tải lên MXH’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, sự việc vợ của một nghệ sĩ nổi tiếng chia sẻ trên mạng xã hội (MXH) việc phát hiện con trai nằm trong nhóm tin nhắn có chưa nội dung nhạy cảm đã thu hút sự quan tâm của cư dân mạng.

Người phụ nữ đã ngay lập tức đập điện thoại con và đăng bài cảnh báo các bậc phụ huynh khác hãy kiểm tra tài khoản Facebook của con mình. Tuy nhiên bên cạnh những bình luận đồng tình thì đã có vô số bình luận chỉ trích về quan điểm và hành động "sốc nổi" của người mẹ.

Trước những tranh cãi, PLO đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Trần Thành Nam- Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) để nghe anh chia sẻ về những vấn đề xoay quanh câu chuyện đang được dư luận quan tâm.

PGS.TS Trần Thành Nam- Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội). Ảnh: FBNV.

. Phóng viên: Dù là với mục đích nào thì việc đưa lỗi sai của con trên MXH đã trở thành "con dao hai lưỡi". Anh suy nghĩ gì về vấn đề khá nhiều phụ huynh mắc phải hiện nay là "chuyện gì của con cũng đưa lên MXH"?

+ PGS.TS Trần Thành Nam: Chúng ta có thể thấy hiện tại thông tin cá nhân của là một người cũng là một vấn đề, nó đã trở thành tài sản của một cá nhân.

Khi chúng ta sống trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 này thì thông tin của cá nhân ngay bây giờ có thể bán kiếm tiền được. Điều này có thể gây rắc rối cho mỗi người khi thông tin bị lộ. Cho nên chúng ta nhìn thấy rất nhiều bê bối của các ông lớn công nghệ thời gian qua toàn liên quan đến việc làm lộ thông tin của khách hàng.

Và việc ứng xử của thế giới trên mạng cũng cần phải có luật vì cuộc sống của chúng ta thế giới thực và thế giới ảo càng ngày càng trộn lẫn vào nhau bởi sự ra đời của Metaverse.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải nói rõ ra là tầng lớp phụ huynh lớn tuổi sinh ra vốn không phải là công dân số nên họ không có thoái quen nhận thức đúng, không ý thức được nguy cơ ở trên không gian số vì vậy họ lại vô tình để lộ thông tin của chính mình.

 Những nghiên cứu còn chỉ ra 61% người lớn đang để các chế độ công khai trên MXH mà trong đấy có rất nhiều thông tin rất riêng tư….và họ không ý thức được nên tất cả những sự kiện gì đấy của các thành viên trong gia đình thì cũng công khai hết.

Và đôi lúc nó lại nảy sinh những hệ quả rất nguy hiểm như làm kẻ xấu có cơ hội biết được tên tuổi  số điện thoại của các viên trong gia đình, có thể tìm thấy con cái của chúng ta ở ngoài cộng đồng…

Chúng ta cũng nhìn thấy có rất nhiều năng lực mà đáng lẽ là năng lực công dân số thì bố mẹ hiện nay bây giờ lại không ý thức được và họ cũng không thể đồng hành được với con.

. Vậy theo anh, điều cấp thiết nhất hiện nay trước những vấn đề đó là gì?

+ Nước ta cũng đã có bộ quy tắc ứng xử trên MXH do Bộ Thông tin truyền thông đưa ra với những điều như quy tắc tôn trọng, tuân thủ pháp luật quy tắc lành mạnh, quy tắc an toàn và bảo mật, quy tắc trách nhiệm…

Bên cạnh đó, chúng ta phải biết rằng là khi tham gia thế giới số thì phải biết được tính chất của thông tin trên MXH hoặc trên môi trường số.

Bởi lẽ khi chúng ta đưa một thông tin lên MXH kể cả chúng ta sau đó cảm thấy hối hận và xoá đi thì trên thực tế cái thông tin đó không hoàn toàn bị xoá hay bị mất khỏi MXH.

Nó vẫn sẽ lưu ở cái bộ nhớ nào đấy của một mạng nào đấy với những người họ cố tình tìm lại thì họ vẫn có cách để đào ra được. Cho nên phải làm cách nào đó, phải biết được những điều gì là nên chia sẻ điều gì là nên giữ riêng tư không bao giờ chia sẻ trên mạng MXH.

Ví dụ như là những trải nghiệm nào đấy mang tính chất làm cho một người nào đó cảm giác không thoải mái hay xấu hổ cũng không nên đưa lên MXH  tại vì không biết sau này người ta trưởng thành có vị trí xã hội thì bị người khác lại đem tất xúi giục khiến cho người ta mất uy tín, mất đi cơ hội…

Chính vì những điều đó, về mặt nguyên tắc về quyền trẻ em thì trẻ em có quyền được biết, thông tin của các em đôi lúc mình cần phải chia sẻ. Ngay kể cả các em có đồng thuận đi chăng nữa thì việc mình chia sẻ lên MXH mình phải ý thức được nguy cơ tiềm ẩn của nó

Ngoài ra, chúng ta phải biết các quy tắc ứng xử trên thế giới số. Khi chúng ta muốn chia sẻ một thông tin gì đó thì chúng ta phải hỏi liệu rằng nó có an toàn không?... Đối với cả chúng ta và với những người xung quanh phải ý thức thông tin gì gì bí mật tuyệt đối không bao giờ đưa lên MXH.

. Với sự phát triển của MXH hiện nay thì những vấn đề nhạy cảm đã trở nên "bình thường" vậy anh có nghĩ dúng sai trong vấn đề sẽ do sự quản lý, thấu hiểu từ bố mẹ?

+ Bây giờ phải nói như thế này, vấn đề nào của con người thì chúng ta nên chấp nhận đấy là vấn đề của con người. Việt Nam  của chúng ta trước đây toàn là sợ nói về những điều rất con người như tình dục vì sớm quá sợ con hư hay về tiền vì sợ các con thực dụng, đấy là một quan niệm rất sai lầm bởi bây giờ cuộc sống đã thay đổi.

Hiện nay mọi người khuyến khích giới trẻ hãy tăng cường khởi nghiệp sớm thì lúc này người ta lại thấy cần giáo dục về tiền tư duy tài chính sớm…

Trước đây, Việt Nam chúng ta quan niệm "gái thập tam, nam thập lục", con gái 13 tuổi, con trai 16 tuổi mới dậy thì. Tuy nhiên hiện tại dinh dưỡng, văn hoá xã hội mọi thứ tốt hơn thì nó khiến các em dậy thì sớm. Bây giờ việc dậy thì là liên quan đến bản chất, còn bản năng thì các con sẽ phải quan tâm đến các vấn đề về cơ thể của người khác giới, về tình dục, mang thai… và đương nhiên các con sẽ tò mò.

Và chúng ta sẽ phải thấy mình cần phải có trách nhiệm để giai đoạn con phát triển và bắt đầu tò mò về những vấn đề đấy. Đó là chúng ta phải cấp tài liệu đúng cho con.

Nhưng từ trước đến nay, xã hội của mình luôn ngại về chuyện này sợ "vẽ đường cho hươu chạy", chính vì không nói gì nên các con có nhu cầu lớn tìm hiểu thì các con lại tìm hiểu lung tung trên google cho nhanh.

Thay vì được học tập thì nhiều trẻ tự tìm hiểu những vấn đề nhạy cảm trên MXH. Ảnh: Tư liệu của Alamy.

Ví dụ bố mẹ thấy rằng việc đấy là trải nghiệm và ai cũng phải đối diện bây giờ các con phát triển sớm hơn, muốn tìm hiểu sớm hơn thì mình phải dũng cảm đưa cho con tất cả các tài liệu liên quan… để đứa trẻ tiếp cận mà không cảm thấy bị xấu hổ, nếu như thế thì các con sẽ không cần phải đi tìm hiểu qua các trang mạng.

Bên cạnh đó, bố mẹ phải hiểu thế giới ở trên mạng vì họ không thể ngăn cấm đứa trẻ tuyệt giao với công nghệ mà phải trang bị cho các con một lăng kính khá kĩ để khi tiếp cận với những điều không an toàn trên mạng các con biết và tránh ra. Hoặc những điều các con cảm thấy không đúng thì sẽ chia sẻ với bố mẹ.

Bố mẹ cần cở mở hơn về những vấn đề nhạy cảm khi chúng ta càng cấm thì con trẻ sẽ càng tò mò đặc biệt là trong lứa tuổi dậy thì. Trong lứa tuổi này bố mẹ không thể nào nói sai với con trẻ được vì đó là giai đoạn các các con tìm mọi cách chứng minh được “con cũnng có quan điểm riêng của mình”. Cho nên bố mẹ cứ nói những điều trên thực tế xã hội, bạn bè không có thì các con sẽ lập tức phản bác và tìm cách chứng minh.

Cho nên bố mẹ cũng không thể nào giáo dục theo kiểu để con miễn nhiễm với tất cả những điều nhạy cảm được mà phải hướng cho con đến những suy nghĩ đúng đắn.

. Theo anh khi phát hiện con trẻ xem những hình ảnh không phù hợp với độ tuổi thì phụ huynh cần làm gì đầu tiên?

+ Chúng ta đừng làm đứa trẻ xấu hổ thậm chí là “rút êm”. Sau đó tìm không gian khác thời điểm khác để chia sẻ với con theo những cách mà như chúng ta đã nói ở trên.

Chúng ta hãy hướng cho con biết khi con lớn được phép tìm hiểu về những vấn đề nhạy cảm nhưng cần phải có trách nhiệm trong việc tìm hiểu thông tin chính thống và kiểm soát hành vi, kiểm soát cảm xúc….

. Vấn đề giáo dục giới tính vẫn được đưa vào học đường, tuy nhiên vẫn luôn bị xem nhẹ. Vậy đối với trách nhiệm của một người làm giáo dục anh thấy vấn đề đó như thế nào? Và vấn đề đó cần giải quyết ra sao?

+ Ở trong học đường, nói thật chúng ta mới có những chủ trương hô hào chứ chưa đưa vào chính khoá, cho nên giáo dục về mặt giới tính, tình dục,…cũng chưa phải là một phần chính khoá trong chương trình phổ thông.

Ở đây còn chưa kể những người dạy nội dung này chưa đủ chuyên môn, kinh nghiệm. Dạy về vấn đề tình yêu tình dục nhưng cô cũng nói ngượng nói tránh như "gà mắc tóc". Thậm chí, cô cũng chả dám nói tên bộ phận sinh dục nam, nữ gì cả nên học sinh biết thừa khi thấy cô tránh né, thế nên các con sẽ chú ý chỗ khác và không tìm hiểu trên lớp nữa.

Hoặc như vấn đề an toàn trên mạng cũng không có dạy trong chương trình của nhà trường nên con trẻ không biết được vố số những nguy cơ như thế nào liên quan đến đến việc các con chia sẻ hình ảnh đồi truy hay hình ảnh sexy 18+ ….

Vì thế bản thân nhà trường cần tìm cách vừa nâng cao kiến thức về sức khoẻ sinh sản vừa nâng cao kiến thức an toàn trên mạng cộng với một số kiến thức liên quan đến quy định pháp luật cũng như đời sống trên thế giới ảo… cho con trẻ.

Thông qua các chương trình đó còn nâng cao ý thức cho cả phụ huynh nữa thì mới có thể giáo dục con cái trở thành công dân số một một cách vững vàng.

. Cảm ơn PGS.TS Trần Thành Nam đã chia sẻ!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm