Đó là quan điểm dứt khoát của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khi nói về các loại thuế, phí trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và thú y nói riêng tại hội nghị ngành chăn nuôi gà diễn ra ngày 21-8 ở Hà Nội.
Phải chấm dứt ngay
Liên quan đến những bất hợp lý trong việc thu phí thú y và một số loại phí liên quan khác, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định việc bỏ nhiều loại phí là cần thiết. Bộ NN&PTNT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, quyết định bãi bỏ 31 loại phí, lệ phí liên quan đến lĩnh vực này vốn đang tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp (DN), người tiêu dùng và người chăn nuôi.
Bộ trưởng Cao Đức Phát còn thể hiện thái độ rất quyết liệt trong việc đề nghị các cục, vụ phải rà lại các phí và lệ phí một cách cụ thể và hành động thực sự chứ không thể nói xong rồi để đó.
“Ở đây phải hiểu rằng bỏ thu phí bất hợp lý chính là tháo gỡ khó khăn để ngành chăn nuôi phát triển hơn nữa. Nếu chúng ta kiểm tra xem xe (chở gia súc, gia cầm… - PV) có mang mầm mống dịch bệnh hay không, khi lấy ra một khay để kiểm dịch thì chỉ thu phí một khay, không thể thu phí cả trăm khay trên xe. Tương tự, quả trứng gà cũng vậy, kiểm dịch một quả thì phu phí một quả thôi chứ tại sao lại thu phí cả xe. Tôi yêu cầu phải chấn chỉnh ngay tình trạng này” - ông Phát nhấn mạnh.
Theo ông Phát, việc thu phí kiểm dịch kiểu như trên không phải là cách làm phục vụ nhân dân, đất nước. Cái gì không chính đáng, không phù hợp với lòng dân thì phải bỏ. Không thể cứ “đè đầu cưỡi cổ” dân ra để thu phí như thời gian qua và phải bỏ ngay kiểu làm như vậy.
Trước đó, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) 10-8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cung cấp một con số khiến nhiều người choáng váng: “Riêng ngành nông nghiệp vừa qua đã rà soát bỏ nhiều loại song vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí. Con số này là quá lớn”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nói hiện nay Bộ NN&PTNT đã có đề xuất gửi Bộ Tài chính, UBTVQH … bãi bỏ những loại thuế, phí, lệ phí bất hợp lý trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang tiếp tục tập hợp, thống kê lại các loại phí, lệ phí và thuế hiện có để có hướng xử lý phù hợp.
Cần phải sớm loại bỏ những loại thuế, phí, lệ phí không hợp lòng dân. Qua đó thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Trong ảnh: Kiểm dịch gia cầm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: CTV
Dứt khoát “cởi trói”
Dư luận đã lên tiếng nhiều về tình trạng một quả trứng phải cõng 14 loại phí, lệ phí khác nhau. Không chỉ quả trứng mà nhiều sản phẩm khác cũng phải gánh một “rừng” phí. Trước thực trạng đáng buồn này, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính đồng ý bãi bỏ nhiều loại phí, lệ phí liên quan đến thú y vì có sự trùng lắp, chồng chéo, đồng thời đề xuất bỏ Thông tư 04 về thu phí, lệ phí trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng nếu bỏ phí, lệ phí trong thú y sẽ ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của ngành, đến việc kiểm dịch, nhất là trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay bởi các địa phương không thể bù đắp được.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định không thể nói không thu phí thì sẽ ảnh hưởng đến công tác kiểm dịch; vấn đề là cái gì không hợp lý, không hợp lòng dân thì phải bỏ. “Đơn vị, địa phương nào để xảy ra dịch thì phải chịu trách nhiệm. Về ngân sách, nếu có khó khăn thì phải báo cáo để qua đó Bộ NN&PTNT phối hợp cơ quan chức năng và các địa phương có sự cân đối phù hợp” - ông Phát nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay có 18 chi cục thú y các tỉnh, thành đã có công văn không đồng ý bãi bỏ nhiều loại phí, lệ phí liên quan đến thú y. Nhưng theo quan điểm của Bộ trưởng Phát: “Việc rà soát, bỏ các loại phí không hợp lý là để ngành nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi được “cởi trói”, phát triển và cạnh tranh với thị trường quốc tế”.
Chỗ nào cũng kiểm dịch làm sao chịu nổi Hiện nay có rất nhiều thuế, phí, lệ phí vô lý. Nó lên tới hơn 1.000 loại khác nhau. Do vậy tôi không tiện liệt kê ra hết. Tuy nhiên, có mấy mảng phí, lệ phí thú y cần phải loại bỏ hoàn toàn, đồng thời phải rà soát để qua đó bỏ bớt đi nữa cho dân nhờ, không thể có tới một xấp biểu phí, lệ phí… dày như hiện nay. Ví dụ: Trước khi cấp giấy chứng nhận liên quan đến thú y, cơ quan thú y thường phải tiến hành kiểm tra, khảo nghiệm, xét nghiệm, kiểm dịch, khử trùng, thẩm định… rồi chi phí vật tư, thiết bị. Chưa kể phần phí cũng cần phải loại bỏ, đặc biệt là các loại phí mang tính chất phục vụ lâm sàng. Nhiều loại giấy muốn được cấp phải trả tiền là không thể chấp nhận được, trong khi chúng ta đang khuyến khích ngành chăn nuôi phát triển. Tôi thấy việc nhiều loại phí, lệ phí hiện nay chồng chéo, như người ta vận chuyển gia cầm từ chỗ này đến chỗ kia cũng bị kiểm dịch nhiều lần. Chẳng hạn như từ Nghĩa Đàn, Nghệ An ra đến huyện Như Thanh (Thanh Hóa) chỉ có vài chục cây số cũng bị kiểm dịch hai lần. Nên kiểm dịch một lần thôi để người dân, DN có thể di chuyển từ tỉnh này đến tỉnh khác, kể cả vào các tỉnh phía Nam hoặc ngược lại. Tỉnh nào cũng kiểm tra, kiểm dịch thì không ổn. Kiểm dịch giống gia cầm mà qua mỗi tỉnh kiểm một lần thì người dân, DN chịu sao nổi. Ông LÊ BÁ LỊCH, Trong buổi thảo luận về dự án Luật Phí, lệ phí tại phiên họp UBTVQH ngày 10-8 vừa qua, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã “kêu trời” về việc người nông dân đang gánh trên vai quá nhiều khoản phí. “Các đồng chí nhớ hôm chất vấn bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu đã đề cập chuyện con gà, quả trứng bị thu mười mấy loại phí. Bộ trưởng thừa nhận đại biểu nói đúng, thu phí này, phí kia là không cần thiết. Một con gà mà bị đè ra thu đến 14 loại phí, trời đất ơi!”… |