Phải sửa luật để xử hình sự doanh nghiệp gây ô nhiễm

“Những quy định về bảo vệ môi trường thời gian qua là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi pháp luật vẫn chưa hiệu quả, các hành vi gây ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra hằng ngày và có chiều hướng ngày càng gia tăng”. Đó là nhận định của Tiến sĩ Phạm Văn Lợi, (ảnh) Viện trưởng Viện Khoa học quản lý môi trường (Tổng cục Môi trường), tại hội thảo Thực trạng thực thi các điều cấm của pháp luật về bảo vệ môi trường ngày 10-5.

. PV: Theo ông, những biện pháp xử phạt các hành vi gây ô nhiễm hiện hành đã đủ sức răn đe?

Phải sửa luật để xử hình sự doanh nghiệp gây ô nhiễm ảnh 1

+ Tiến sĩ Phạm Văn Lợi: Những vụ gây ô nhiễm môi trường ngày càng tăng với mức độ nghiêm trọng vừa qua cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp còn kém. Mặc dù họ biết việc xả thải “chui” là vi phạm nhưng vẫn cố tình làm. Do vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong việc bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, tôi cho rằng cần nhanh chóng thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Điều này là cần thiết để tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức vi phạm mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Tiếc là Bộ luật Hình sự vừa được sửa đổi, bổ sung chưa đặt trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự có thiết lập trách nhiệm hình sự của pháp nhân để có thể xử lý hình sự doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ở một số nước, khi bị phát hiện hành vi gây ô nhiễm nghiêm trọng, ông chủ của doanh nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngay mà chưa cần đề cập đến hậu quả. Nhưng ở Việt Nam thì còn phải xem xét đến hậu quả của vi phạm rồi mới đưa ra hình thức xử lý.

Phải sửa luật để xử hình sự doanh nghiệp gây ô nhiễm ảnh 2

Dù gây ô nhiễm nghiêm trọng nhưng hiện nay, các doanh nghiệp vẫn thoát việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong ảnh: Cơ quan chức năng đang xác định khối lượng, tính chất nguy hại từ số chất thải nguy hại được một công ty xử lý chất thải nguy hại đem san lấp mặt bằng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: MP

. Nhưng với những vi phạm quá rõ, được các doanh nghiệp “cúi đầu nhận tội” thì phải xử lý thế nào mới mong đảm bảo tính nghiêm minh và tăng tính răn đe, thưa ông?

+ Ta có thể áp dụng các biện pháp đồng bộ như xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao một cách nghiêm túc như tước giấy phép môi trường, đình chỉ hoạt động... và quan trọng phải “đụng” vào túi tiền của doanh nghiệp, như dùng công khai thông tin vi phạm “đánh” vào các sản phẩm của doanh nghiệp để người tiêu dùng tẩy chay chúng.

Thực tế là hiện nay nhiều quy định về bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực còn thiếu, như các quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không khí, hoặc vấn đề bồi thường thiệt hại... Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến để bổ sung, hoàn thiện trong thời gian tới.

. Xin cảm ơn ông.

Cần nâng cao hơn nữa trình độ “quan trí”

Các hành vi gây ô nhiễm môi trường đều có tác động trực tiếp, gián tiếp đến sức khỏe của người dân. Biện pháp cần thiết là phải nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân và cả người quản lý. Nếu không, với cách làm kiểu “đánh du kích” như hiện nay không thể ngăn ngừa, kiểm tra và xử phạt đối với tất cả vi phạm.

Việc nữa là phải nâng cao trình độ... "quan trí", bởi đây là lực lượng quan trọng đảm bảo việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Tôi đặt vấn đề là các điều cấm đã được thực hiện ra sao hơn là các điều cấm đã đủ hay chưa.

Bác sĩ PHAN VĂN NGHIỆM, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Sở Y tế TP.HCM

Xem xét khởi tố việc Tung Kuang xả thải trái phép

Hiện Tung Kuang đang tạm ngưng bộ phận sản xuất có phát sinh xả nước thải gây ô nhiễm, cải tạo lại hệ thống xử lý nước thải. Các cơ quan chức năng đã tạm dừng tháo dỡ hệ thống xử lý nước thải trái phép của Tung Kuang. Tuy nhiên, dự kiến ngày 13-5 sẽ niêm phong các trang thiết bị có liên quan để chờ văn bản kết luận của Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an (C36). Theo ông Lộc, hiện các cơ quan chức năng đang xem xét, củng cố hồ sơ, chứng cứ để tiến hành khởi tố vụ “xả trộm” nước thải của Tung Kuang. Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hải Dương

Phân rõ trách nhiệm cá nhân vụ cá chết trên sông Trà Khúc

Chúng tôi đang chỉ đạo cơ quan điều tra Công an tỉnh tập trung điều tra, hoàn tất hồ sơ để xem xét khởi tố hình sự vụ xả nước thải của Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi ra sông Trà Khúc. Công an tỉnh không khởi tố chung chung mà sẽ phân rõ trách nhiệm của từng cá nhân sai phạm trong việc này.

Thượng tá Nguyễn Thanh Trang, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi

T.TÚ - LUẬN NGỮ (ghi)

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm