Theo The Hill, Công ty bảo mật F-Secure của Phần Lan hôm 4-8 thông báo đã phát hiện một phần mềm mã độc cố ý tấn công các bên có liên quan vấn đề biển Đông tại Philippines. F-Secure gọi phần mềm này là NanHaiShu.
"Dựa trên việc phần mềm độc hại này tấn công có chọn lọc các tổ chức, cũng như những chỉ số được phát hiện bằng phân tích kỹ thuật, chúng tôi tin rằng virus trên có xuất xứ từ Trung Quốc", The Hill dẫn báo cáo của F-Secure.
Theo F-Secure, phần mềm mã độc có tên gọi NanHaiShu này được sử dụng để do thám máy tính của nạn nhân, xâm nhập hệ thống của Bộ Tư pháp Philippines, các tổ chức thuộc Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và một công ty luật đại diện cho một trong các bên liên quan trong vấn đề biển Đông.
Không gian mạng đã trở thành mặt trận mới trong vấn đề biển Đông, theo Business Insider. Ảnh minh họa
Theo Business Insider, các nhà nghiên cứu khẳng định các cuộc tấn công này đã tiếp diễn được một thời gian. “Chúng tôi phát hiện dấu vết đầu tiên của phần mềm mã độc NanHaiShu trong hai năm qua và đến tháng 3-2016 nó vẫn đang phát tán mạnh mẽ”, báo cáo nhấn mạnh.
Cũng theo Business Insider, phần mềm mã độc NanHaiShu hoạt động bằng cách gửi thư điện tử giả mạo cho mục tiêu, “nhử” nạn nhân mở một tệp đính kèm chứa mã độc, qua đó kẻ tấn công có thể bí mật kiểm soát máy tính của họ.
Các nhà nghiên cứu tin rằng các vụ tấn công mà NanHaiShu nhắm tới dường như liên quan đặc biệt tới Tòa trọng tài quốc tế giải quyết vụ kiện Philippines-Trung Quốc ở biển Đông. Mục đích tấn công là nhằm “thu thập thông tin tình báo” về các hồ sơ pháp lý đang được xây dựng.
"Không chỉ các tổ chức bị tấn công đều liên quan đến vụ kiện mà vụ tấn công còn xảy ra trùng với thời điểm công bố tin tức hoặc sự kiện liên quan đến quá trình Tòa Trọng tài giải quyết vụ kiện", Erka Koivunen, một chuyên gia tư vấn an ninh mạng tại F-Secure, nói.
Mã độc xâm nhập máy tính qua các tài liệu Microsoft Office đính kèm email nhằm chiếm các thông tin nhạy cảm hoặc mật khẩu. Một file mang tên "DOJ Staff bonus January 13, 2015.xls" đã được gửi một tháng sau khi Tòa trọng tài ra thông cáo báo chí chính. Các file khác được tung ra vào thời điểm hạn chót tòa yêu cầu Trung Quốc và Philipines phản hồi.
Tờ Business Insder nhận định không gian mạng đã trở thành một mặt trận mới trong tranh chấp biển Đông. Cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng đã kéo dài trong nhiều năm nhưng căng thẳng đặc biệt leo thang sau khi Tòa trọng tài quốc tế hôm 12-7 ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở biển Đông.