Phân nửa người Việt ở Ukraine đã sang các nước lân cận

Chia sẻ thông tin với báo chí ngày 8-3, Bộ Ngoại giao cho biết số lượng người Việt ở Ukraine trước khi xảy ra chiến sự khoảng 7.000 người, chủ yếu sinh sống, làm ăn, học tập tại các thành phố lớn. Từ khi Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tấn công vào lãnh thổ Ukraine, ngày 24-2 đến nay, khoảng 3.500 bà con đã di tản khỏi khu vực chiến sự, sang các quốc gia láng giềng.

Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Ukraine và các nước có đường biên giới với Ukraie đã lập nhiều đoàn công tác đến các cửa khẩu biên giới để tổ chức tiếp đón, hỗ trợ bà con làm thủ tục nhập cảnh, di chuyển đến nơi tạm trú an toàn.

Những người Việt đầu tiên rời khỏi vùng chiến sự Ukraine, về tới sân bay Nội Bài, trưa 8-3. Ảnh: Phi Hùng

Chưa ghi nhận thương vong người Việt

Dẫn báo cáo ngày 7-3 của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, Bộ Ngoại giao cho hay đến thời điểm này chưa ghi nhận thông tin nào về thương vong của người Việt do chiến sự.

Hầu hết bà con ở các thành phố lớn như Kiev (Thủ đô, phía Bắc Ukraine), Kharkiv (phía Đông Bắc), Odessa (thành phố cảng phía Nam, sát Biển Đen) đều đã thoát khỏi vòng chiến sự. Đây là những nơi tập trung đông và có nhiều tài sản của người Việt. Vì vậy các hội đoàn đã phân công để một số ở lại trông coi, nhất là với khu chợ lớn.

Tình hình có phần khó khăn hơn ở Mariupol (phía Đông Nam), Kherson (phía Nam) - đều giáp Biển Đen, nơi có khoảng 100 và 50 người Việt và gia đình sinh sống. Đây cũng là những nơi đang diễn ra chiến sự gay gắt và Nga – Ukraine đang đàm phán mở hành lang an toàn cho dân thường sơ tán, nhưng quá trình triển khai còn vướng mắc. “Vì chưa an toàn nên bà con chưa đi” – đại diện Bộ Ngoại giao cho hay.

Người Việt ở Ukraine hướng về biên giới phía Tây

Về số bà con đã thoát khỏi Ukraine, kiểm đếm của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam cho thấy tại Ba Lan hiện có khoảng 2.200 người, trong đó chỉ khoảng 700 là có nhu cầu về nước, còn lại thì hoặc ở lại Ba Lan hoặc tìm đường sang nước thứ ba. Tâm lý chung là bà con hi vọng khi chiến sự lắng xuống thì sẽ quay lại Ukraine, vì còn nhiều ràng buộc tài sản, cuộc sống, học tập, làm ăn ở đây.

Ngược lại, 830 người tại Romania thì phần lớn muốn về Việt Nam. Đây cũng là nguyện vọng của hai phần ba trong số 310 người Việt đang tạm trú khu vực biên giới Hungary. Số còn lại, khoảng 100 người muốn ở lại châu Âu. Còn bên Slovakia, 100 người Việt từ Ukraine sang thì tuyệt đại đa số chưa muốn về nước.

Nga có đường biên giới dài nhất, vắt từ Đông bên Bắc Ukraine, nhưng cách đây mấy hôm mới chỉ có hai nhóm người Việt, tổng cộng 20 người, chủ yếu ở vùng phía Đông Ukraine chạy sang.

Theo Bộ Ngoại giao, các nước EU đang nới lỏng đường biên giới để đón nhận dòng người tị nạn chiến tránh từ Ukraine tràn sang. Người Việt đang ở vùng biên giới các nước phía Tây và Tây Bắc Ukraine cũng trong số đó, với phần nhiều tìm đường đi sâu vào châu Âu.

Sẽ có nhiều chuyến bay đưa bà con hồi hương

Đáp ứng nguyện vọng về nước của một bộ phận bà con, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Bộ Y tế để tổ chức các chuyến bay tới châu Âu.

Đến thời điểm này đã thu xếp được hai chuyến, đón bà con đang tạm lưu trú tại Romania. Chuyến đầu tiên đã hạ cánh Nội Bài trưa 8-3, với 287 người, đa phần phụ nữ, trẻ em, một số người già. Chuyến tiếp theo dự kiến sẽ bay vào 10-3. Hai chuyến bay này hoàn toàn cấp kinh phí từ ngân sách.

Một số doanh nghiệp lớn đã đặt vấn đề tài trợ kinh phí để tổ chức các chuyến bay đưa người Việt - Ukraine đang kẹt ở châu Âu về nước miễn phí. 

Bộ Ngoại giao cho biết, do hoàn cảnh chiến sự, công tác sơ tán lần này được triển khai trên tinh thần miễn giảm nhiều thủ tục, giấy tờ cá nhân, phòng dịch y tế. Đối tượng bảo hộ cũng rất rộng, không chỉ công dân Việt Nam mà cả người gốc Việt, cùng thành viên gia đình không có quốc tịch Việt Nam. Nhìn chung việc sơ tán, tổ chức tiếp đón đến thời điểm này được triển khai trong trật tự, an toàn.

 

Đường dây nóng của Bộ Quốc phòng Nga

Cung cấp thông tin cho PLO qua email, Đại sứ LB Nga tại Việt Nam, ông G.S. Bezdetko cho hay: “Tất cả các biện pháp đang được thực hiện để bảo toàn tính mạng và an toàn của dân thường. Chúng tôi hiểu mối quan tâm của những người bạn Việt Nam, và chúng tôi thường xuyên liên hệ với chính quyền địa phương về vấn đề đảm bảo an ninh cho công dân Việt Nam”.

Đại sứ quán Nga cũng cho biết để giải quyết các vấn đề nhân đạo liên quan đến việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, bao gồm cả việc đề nghị sơ tán dân thường, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã lập đường dây nóng: (495) 498 34 46, (495) 498 42 11, (495) 498 41 09, cùng hòm thư điện tử gumvs@mil.ru.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm