Pháp hy vọng đầu tuần tới sẽ trình bày dự thảo cho 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.
Tại cuộc họp đầu tiên giữa các đại sứ năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Nga không bác bỏ dự thảo nghị quyết mà chỉ yêu cầu có thêm thời gian xem xét.
Dự thảo nghị quyết của Pháp tập trung nói đến tình hình TP Aleppo bị máy bay của Nga và của quân đội Syria ném bom tàn khốc sau khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ trong một tuần không kích đã có 338 người chết ở TP Aleppo.
Dự thảo kêu gọi tái lập thỏa thuận ngừng bắn để cho phép các đoàn cứu trợ nhân đạo hoạt động không bị cản trở nhằm giúp đỡ người dân bị bao vây trong khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở Aleppo, đồng thời kêu gọi máy bay ngừng không kích. Dự thảo cũng nêu ra một cơ chế giám sát ngừng bắn có các chuyên gia đến từ các nước thuộc Nhóm quốc tế ủng hộ Syria (17 nước và ba tổ chức đa phương) tham gia.
Trong khi đó, quan hệ Nga-Mỹ ngày càng căng thẳng từ khi máy bay Nga không kích quân nổi dậy Syria ở Aleppo. Hôm 29-9, sau khi tuyên bố đe dọa Mỹ sắp cắt đứt đối thoại ngoại giao với Nga, đến ngày 30-9 Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Phía Mỹ bảo đảm cuộc đối thoại giữa hai bên vẫn chưa chết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố cánh cửa chưa hoàn toàn khép lại.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bảo đảm Nga sẵn sàng tiếp tục tìm kiếm các giải pháp để giải quyết xung đột Syria. Ông lên án các nhóm nổi dậy ở Aleppo do bọn khủng bố Mặt trận Al-Nusra (cũ) chỉ huy đã nhiều lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Ông chỉ trích Mỹ không phân tách rạch ròi giữa quân nổi dậy ôn hòa Syria và quân khủng bố nên bọn khủng bố đã núp bóng quân nổi dậy mà Washington đang bảo vệ.
Trong cuộc điện đàm hôm 29-8, Tổng thống Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên án “các vụ ném bom dã man của Nga và chế độ Syria ở phía đông Aleppo”. Đặc phái viên của Anh về Syria Gareth Bayley đánh giá sau một năm tham gia chiến sự Syria, quân đội Nga vẫn đánh vào các khu dân sự và ngày càng sử dụng vũ khí mù quáng hơn như bom bi, bom xăng đặc.
Ông nhận xét: “Thực tế hiện nay ở Syria là cơn ác mộng. Aleppo lại bị bao vây. Hàng trăm ngàn người thiếu thốn nước, xăng dầu, thuốc men. Các cơ sở hạ tầng dân sự như trường học và bệnh viện đều bị xem là mục tiêu”.
Ngược lại, Nga và Syria khăng khăng cho rằng máy bay chỉ tấn công vào các vị trí của quân khủng bố. Ngày 30-9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bognadov tuyên bố các ám chỉ của Mỹ rằng Moscow ném bom vào các vị trí của quân nổi dậy ôn hòa ở Syria là vô căn cứ. Ông khẳng định Mỹ có giao tên lửa đất đối không xách tay cho quân nổi dậy Syria cũng vô tác dụng.
Người phát ngôn tổng thống Nga Dmitry Peskov khẳng định quân Hồi giáo sẽ làm chủ thủ đô Damascus nếu Nga không can thiệp giúp chính phủ Syria.