Ngày 20-9, một nhóm chuyên gia khảo cổ cho biết họ đã khai quật được cấu trúc bằng gỗ có niên đại 476.000 năm tại khu vực thác Kalambo ở phía bắc Zambia gần biên giới với Tanzania, theo hãng tin AFP.
Nhóm khảo cổ cho hay trên bề mặt của cấu trúc này có những vết cắt, cho thấy các công cụ bằng đá đã được sử dụng để ghép hai khúc gỗ lớn lại với nhau tạo nên khung sườn. Lối đi được thiết kế bên trên khung sườn này, cho phép con người di chuyển trên đó. Ngoài ra, cấu trúc này được cho là có thể nổi trên mặt nước.
Ngoài ra, một bộ sưu tập các công cụ bằng gỗ, bao gồm một cái nêm và một cây gậy dùng để đào đất cũng được phát hiện tại địa điểm này.
Ông Larry Barham, nhà khảo cổ học tại ĐH Liverpool (Anh) cho biết đây là một “khám phá tình cờ”.
“Những khám phá liên quan đến gỗ như vậy rất hiếm vì nó có xu hướng mục nát theo thời gian và để lại rất ít dấu vết. Tuy nhiên, mực nước cao ở thác Kalambo đã giúp bảo tồn cấu trúc này qua nhiều thế kỷ” - theo ông Barham.
Các cuộc khai quật tại Kalambo vào những năm 1950 và 1960 đã tìm thấy một số loại gỗ nhưng không thể xác định niên đại chính xác.
Ở lần khai quật này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp xác định niên đại phát quang. Đây là phương pháp mới giúp xác định tuổi bằng cách đo lần cuối cùng các khoáng chất tiếp xúc ánh sáng mặt trời.
Phát hiện này chứng tỏ tổ tiên con người không phải là dân du mục như quan điểm của nhiều nhà khoa học. Theo đó, cấu trúc này có vẻ được xây dựng gần các thác nước để con người có thể định cư lâu dài.
Tuy nhiên, bà Archambault de Beaune - Giáo sư tại ĐH Lyon (Pháp) - cảnh báo giả thuyết này vẫn cần thêm bằng chứng để xác thực.