Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy đàn gà hơn 1.100 trên hai tháng tuổi bị mắc bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Đây là ổ dịch cúm gia cầm H5N1 đầu tiên trong năm 2015.
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo, cho biết tình hình dịch cúm toàn cầu hiện có một số đặc điểm cần phải được theo dõi chặt chẽ. Sự đa dạng của việc cùng lưu hành virus cúm ở động vật và trao đổi vật liệu di truyền, tạo ra chủng virus mới đã ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của các vaccine hiện tại cũng là điều cần đặc biệt quan tâm.
Ảnh minh họa
Theo đó, virus cúm gia cầm H5N1 độc lực cao là nguyên nhân gây ra dịch bệnh trên gia cầm ở châu Á liên tiếp từ năm 2003 hiện vẫn đang gây dịch tại nhiều quốc gia.
Trong hai năm qua, tổ chức đã phát hiện các chủng H5N2, H5N3, H5N6 và H5N8. Tất cả chủng này hiện đang lưu hành ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Ở Trung Quốc, H5N1, H5N2, H5N6 và H5N8 hiện đang lưu hành trên các loài chim cùng với H7N9 và H9N2. Trong đó virus cúm H9N2 đóng vai trò quan trọng trong việc kết hợp các gen cho các virus H5N1 và H7N9.
Trung Quốc cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus cúm H5N6 đầu tiên. Hiện nay Trung Quốc ghi nhận ba trường hợp nhiễm virus cúm H5N6, hai trong số đó đã tử vong.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết sự xuất hiện của rất nhiều virus mới đã tạo ra một nguồn gen đa dạng tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gen giữa các chủng virus cúm khác nhau. Do vậy, những hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể đoán trước được và rất đáng lo ngại.
Theo WHO, từ cuối năm 2003 đến tháng 1/2015, đã ghi nhận 777 trường hợp nhiễm vi rút cúm H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 428 trường hợp tử vong (chiếm 55,1%).