Thời Luận

Phát triển du lịch đường thuỷ TP.HCM: Cần giải bài toán ô nhiễm kênh rạch

(PLO)- Lâu nay bài toán phát triển du lịch đường thủy nội địa Việt Nam bế tắc vì môi trường ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vì vậy, việc đầu tiên và quan trọng nhất là giải bài toán ô nhiễm kênh rạch. Bằng không thì mọi giải pháp và nỗ lực đều nửa vời.

TP.HCM có gần 5.000 km kênh rạch nhưng chỉ mới cải tạo bề ngoài (làm bờ kè, nạo vét) được trên 100 km. Cải tạo bên trong (đặt ngầm cống hộp lớn thu gom nước thải và xử lý, làm sạch kênh và chống ngập) chỉ mới 9 km. Bề ngoài chỉ là hình thức. Bên trong mới căn cơ bền vững.

Việc cải tạo có thể lấy kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè làm hình mẫu. Theo đó, TP đã đặt cống hộp ngầm, thay mới 70 km cống dẫn nước thải dân cư ra cống hộp, giải tỏa và an cư trên 11.000 hộ dân, mở đường Hoàng Sa, Trường Sa, tạo cảnh quan đôi bờ, dòng kênh ô nhiễm bậc nhất TP đã được hồi sinh.

TP.HCM cần tiên phong, đột phá chiến lược phát triển du lịch đường sông. TP có chính sách khoan sức, tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư du lịch đường thủy (giảm thuế, vay vốn ưu đãi).

Ưu tiên thuê đất công ven bờ kênh rạch xây bến thủy nội địa ổn định để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn. TP cần làm nhiều bến thủy nội địa ven kênh rạch để người dân và du khách thuận tiện đi lại, tận dụng và phát huy các điểm đến đôi bờ. Ngoài ra, cần có kế hoạch và lộ trình xây dựng các điểm nhấn về kiến trúc, văn hóa, lịch sử với trang trí, ánh sáng hấp dẫn.

TP cũng cần khẩn trương mở các tuyến du ngoạn với loại tàu có mái mở, chỉ bán đồ uống và thức ăn nhẹ như thế giới đang làm. Đồng thời hạn chế dần các tàu chủ yếu tổ chức ăn uống, ca nhạc kiểu nhà hàng nổi, nhà hàng trên sông.

Xin mạnh dạn đề xuất TP lập hồ sơ công nhận kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là di sản môi trường quốc gia để quy hoạch phát triển du lịch đường thủy nội địa theo mô hình sông Singapore; đường Hoàng Sa và Trường Sa là phố đi bộ, Nhiêu Lộc là kênh hoa.

Ngay bây giờ, mọi kiến trúc hai bên bờ sông và kênh rạch, nhất là xây cầu, phải tính tới du lịch đường thủy. Chúng ta cần có lộ trình và cách làm cụ thể để du lịch đường thủy phổ cập, thành sản phẩm đặc trưng. Đoạn tuyệt tư duy kiểu “trên bến, dưới thuyền” với nước kênh đen kịt, đem ồn ào truy bức các dòng kênh lịch lãm, bớt lạm dụng lễ hội… Nhà nước cần tạo điều kiện bằng các chính sách thiết thực, không nghĩ thay, càng không nên làm thay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm