Khác với kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) năm 2017, phát biểu trước giới chóp bu của thế giới tại New York hôm 26-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump không tiếc lời khen ngợi Triều Tiên liên quan đến biểu hiện của Bình Nhưỡng những tháng vừa qua. “Quan hệ của Mỹ và Triều Tiên đang tiến triển rất tuyệt vời và rất có thể chúng tôi sẽ sớm tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai” - ông Trump nói, đồng thời cho biết thời gian và địa điểm hai lãnh đạo Washington và Bình Nhưỡng gặp nhau sẽ sớm được thông báo.
Ông Trump lạc quan
Tổng thống Mỹ mặc dù không đưa ra một lộ trình cụ thể của triển vọng giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên nhưng bày tỏ sự sẵn lòng rằng “nếu quá trình phi hạt nhân hóa tốn hai, ba hoặc năm năm cũng không thành vấn đề”. Đồng thời ông chủ Nhà Trắng khen người đồng cấp Triều Tiên - Chủ tịch Kim Jong-un là người dũng cảm và có những động thái ban đầu trong quá trình phi hạt nhân hóa.
Phát ngôn của ông Trump không ngoài các dự báo khi trước đó không lâu, lãnh đạo liên Triều, ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đã có cuộc gặp lịch sử tại thủ đô Bình Nhưỡng, đồng thời đưa ra nhiều tuyên bố có tính biểu tượng quan trọng đối với triển vọng kết thúc chiến tranh hoàn toàn và lập lại hòa bình giữa hai nước. Ông Trump và ông Kim cũng gặp nhau tại Singapore vào tháng 6, hứa hẹn chuẩn bị gặp nhau lần hai nhờ vào cầu nối Hàn Quốc đang tích cực đóng vai trò con thoi gắn kết Mỹ-Triều.
Tuy nhiên, khác với những biểu hiện mang tính tượng trưng, mà ấn tượng là bắt tay giữa ông Trump với ông Kim, cái ôm giữa ông Kim và ông Moon, thực chất mối quan hệ Mỹ, Hàn với Triều Tiên tại khu vực vẫn chưa giải quyết được những mâu thuẫn cốt lõi. Điều đó khiến niềm tin của ông Trump - “tốn hai, ba hay năm năm” để Triều Tiên phi hạt nhân hóa - trở nên quá lạc quan.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho phát biểu trước ĐHĐ LHQ hôm 29-9 tại New York. Ảnh: AFP
Nhưng thiếu cơ sở
Về lý thuyết, bán đảo Triều Tiên vẫn chưa lập lại hòa bình. Cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953, một bên là liên minh Mỹ, Hàn và còn lại là Triều Tiên, chỉ tạm dừng bằng hiệp định đình chiến kéo dài nhiều thập niên qua. Điều đó có nghĩa xung đột, chiến tranh có thể tiếp tục chỉ cần một trong các bên “mất bình tĩnh” hoặc “vượt quá giới hạn nhượng bộ”. Kịch bản này không phải thiếu khả dĩ khi lợi ích của các bên, bao gồm Mỹ và Triều Tiên đều không có sự đồng điệu.
Triều Tiên muốn Mỹ không dùng cái ô quân sự tại Hàn Quốc, Nhật Bản đe dọa sự tồn vong chính quyền ông Kim. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh nếu không thể chủ quan bởi năng lực hạt nhân chưa lường hết của Bình Nhưỡng. Cả Mỹ-Triều đều đang cầm gươm chĩa vào nhau trong một không gian đang có chiến tranh. Việc một trong hai bên hạ vũ khí xuống trước đều không chắc chắn bên còn lại sẽ không thừa thế triệt hạ đối thủ.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho trước ĐHĐ LHQ khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không giải trừ vũ khí hạt nhân cho đến khi có được niềm tin tuyệt đối vào Mỹ. Ông Ri Yong-ho thúc giục Washington cắt giảm các biện pháp trừng phạt (nhất là với nền kinh tế) Triều Tiên, tìm kiếm một hiệp định thiết lập hòa bình thật sự tại khu vực. Nói cách khác, Bình Nhưỡng muốn chuyển đến chính quyền Trump thông điệp Triều Tiên chỉ phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” khi nước này cảm thấy an toàn, trước là về vấn đề an ninh của giới cầm quyền, sau là an ninh kinh tế.
Rất tiếc, Washington cũng rơi vào thế lưỡng nan trước yêu cầu của Bình Nhưỡng. Lịch sử quan hệ Mỹ-Triều không cho nhiều chỉ dấu để Washington có thể tin rằng Triều Tiên sẽ tuân thủ cam kết các thỏa thuận về hạt nhân tại khu vực, nhất là khi hạt nhân luôn được Bình Nhưỡng gắn liền với an toàn của chính quyền.
Ngay cả khi gần đây Triều Tiên cam kết dỡ bỏ một số cơ sở thử tên lửa hạt nhân quan trọng trước sự giám sát quốc tế thì giới tình báo Mỹ, giới chuyên gia quốc tế vẫn cho rằng Bình Nhưỡng vẫn “có thể đảo ngược”. Lý do là trình độ hạt nhân của Bình Nhưỡng đã có nhiều kết quả vượt bậc mà một vài cơ sở thử tên lửa bị dỡ bỏ không làm tổn hại đáng kể các chương trình hạt nhân đồ sộ phía sau. Đến nay các thông số về vật liệu, vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn là ẩn số. Điều đó khiến ông Trump - dù tỏ ra nôn nóng trong việc thúc đẩy Triều Tiên hành động - vẫn khẳng định trước LHQ: “Mỹ sẽ không cắt giảm trừng phạt cho đến khi Triều Tiên hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông sẽ có một cuộc họp rất lạc quan với người đồng cấp Triều Tiên và đồng ý đến thăm Bình Nhưỡng vào tháng tới để chuẩn bị cho thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay sẽ không thể có nhiều kỳ vọng về những bước đột phá giữa hai bên.
Nếu Triều Tiên và Mỹ tiếp tục nghi ngờ nhau, thỏa thuận Singapore sẽ không thể thoát khỏi số phận thất bại như những thỏa thuận trước đây giữa hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên RI YONG-HO |