1. Thợ sửa két nước xăm trổ
Trong một lần tôi viết về một vụ quậy tưng bừng của một số thanh niên Tây Ninh, tôi bị một anh chàng xăm trổ đúng chất dân quậy tên Nguyễn Chí Thanh (huyện Hòa Thành) đăng “cái bản mặt xưng là nhà báo” lên Facebook của anh ta. Tôi follow (theo dõi) Thanh từ một hoàn cảnh khó chịu như vậy.
Nhưng tôi đã phải ồ lên thú vị khi thấy cái con người xăm trổ ăn nói bạt mạng đó kêu gọi bạn bè làm một chương trình cho các em học sinh được vui chơi sinh hoạt hè. Anh đến một xã vùng sâu tổ chức trò chơi dân gian, cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ. Các em nhỏ quấn lấy anh ta chơi rồng rắn lên mây chờ đến lượt mình cắt tóc. Những bạn quậy của anh giận trách không thông báo để họ được dịp tham gia với các em.
Vài bữa sau, tôi lại thấy anh kêu gọi bạn bè giúp đỡ các cụ già neo đơn ở huyện Bến Cầu. Anh góp trước hai ngày lương thợ của mình bằng 200.000 đồng. Lúc đó tôi mới biết anh làm thợ sửa két nước. Nhiều người không có tiền nên góp bằng dụng cụ, vật phẩm. Anh tự tay chăm chút gói từng món quà, công khai các khoản đóng góp. Những chuyến đi của anh đã được nhiều người hưởng ứng.
Tôi tự cười mình đã từng định kiến với những hình xăm trổ. Chúng tôi trở thành bạn bè. Rồi sau những chuyến đi giúp người dưng, anh quay lại đời thợ vất vả, ngang tàng.
Anh Nguyễn Chí Thanh trong dịp tổ chức sinh hoạt hè cho các em nhỏ. Ảnh: MINH NGÔ
2. Lời hứa dựng 100 giếng nước
Qua lời giới thiệu của một người bạn, tôi gặp anh Võ Tiến Cường (phường 6, quận 3, TP.HCM). Thực ra tôi muốn gặp bà xã của anh chứ không phải anh, vì muốn theo chị đến hỗ trợ những đứa trẻ theo cha mẹ đang cắm chòi ở lậu trong một mảnh rừng vì từ Biển Hồ (Campuchia) trở về không có giấy tờ tùy thân. Anh đi theo, làm tài xế cho vợ. Đi thiện nguyện giúp người nghèo mà anh mặc đồ láng o, tóc nhuộm vàng buộc túm trên chỏm đầu rất dân chơi.
Khi đến cánh rừng đó, anh vui vẻ nhảy múa cùng bọn trẻ, đưa chúng lên ô tô chở đi chơi, chẳng bận tâm đến những lấm lem khi bọn trẻ chạm vào mình. Đến những lán tạm của họ, anh đòi dựng chuồng gà, giúp cho họ nuôi gà để ăn tết. Anh nói: “Đời người lang bạt đã cơ cực, đến cái tết cũng không được tươm tất thì khổ quá”.
Sau mỗi chuyến đi, anh lại có kế hoạch cho chuyến đi mới. Anh cùng vợ đã đi khắp các nẻo đường đất nước, tìm kiếm những ngôi trường, những bản làng xa để khoan tặng những giếng nước sạch cho cư dân ở đó. Đã có 21 cái giếng được anh hoàn thành ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và nhiều nơi khác.
Và trong một lần đi khoan giếng, anh và vợ đã nhận nuôi một đứa trẻ bại não người Mơ nông ở Buôn Ma Thuột sau khi biết mẹ em bị sét đánh chết. Họ ríu rít chăm chút cho cô bé như kiểu cha mẹ hiếm muộn khát con dù họ đã có một đàn con. Họ nguyện rằng sẽ làm đủ 100 cái giếng khoan.
Kể từ giây phút đó, anh trở thành một quý ông trong mắt tôi.
3. Và những người chưa kịp biết tên
Tôi loay hoay gắt gỏng đợi lấy xe khi mà bãi xe trước cổng bệnh viện ùn tắc như đàn kiến bị chặn bởi nút chai, bỗng phải mỉm cười khi thấy một cô gái tóc vàng, áo hai dây, đi đôi guốc cao chót vót tấp xe lên lề, nắm tay dẫn bà cụ đang run rẩy trước cổng bệnh viện băng qua đường. Cái dáng đi ỏn ẻn, cái môi đỏ cong cong nhiều chuyện ấy chao ôi là dễ thương.
Cô ấy làm tôi nhớ đến nhóm 4Share đã cùng tôi đi lên biên giới, tìm bọn trẻ Việt kiều Campchia tặng cho chúng sách sở, quần áo, tủ sách. Chuyến đi ấy có những cô gái thành thị môi cong, điệu đàng đi guốc cao khiến tôi hỏi miết: “Các bạn có chắc sẽ đi nổi không”? Nhưng khi thấy họ lột đôi giày cao gót, băng đường rừng, leo lên máy cày, nắm bàn tay của những người dân ở đó, ánh mắt sáng lên…, tôi không hỏi nữa.
Kể từ đó, tôi luôn tìm kiếm thứ ẩn sâu sau mọi vẻ ngoài khác biệt và may mắn là tôi luôn tìm thấy những trái tim nồng hậu đó. Cuộc đời chừng vậy đã đủ thành dễ thương.