Phó Thủ tướng đồng ý tăng các chuyến bay nội địa

Tại cuộc trực tuyến toàn quốc về lưu thông hàng hóa và hành khách nhằm phục hồi sản xuất do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì vào chiều 20-10,  Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, cho biết thời gian qua vận tải hành khách và hàng hóa cơ bản thông thoáng, thuận tiện. Trong đó, vận tải hàng hóa 9 tháng đầu năm đạt 114,48 triệu tấn bằng 94,4% so cùng kỳ năm 2020.

Về vận tải hành khách, 48 địa phương đồng ý thí điểm cho khôi phục hoạt động vận tải liên tỉnh, hàng không trong nước cũng thực hiện khai thác 17 đường bay nội địa, còn tuyến đường sắt khôi phục 3 đôi tàu.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì vào chiều 20-10. Ảnh: Đ.MINH

Từ kết quả thí điểm nối lại vận tài hành khách những ngày qua, Bộ GTVT đề nghị một tháng tiếp theo (từ ngày 21-10 đến 31-11), tăng chuyến đối với các đường bay nội địa.

Cụ thể, đường bay Hà Nội – TP.HCM, tăng lên không quá 6 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 21-10 đến 14-11; không quá 7 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 15-11 đến 30-11.

Đường bay Hà Nội – Đà Nẵng, TP.HCM – Đà Nẵng tăng lên không quá 6 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 21-10 đến 14-11; không quá 7 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 15-11 đến 30-11.

Các đường bay khác, tăng lên không quá 4 chuyến hàng ngày mỗi chiều, thay vì chỉ khai thác một chuyến khứ hồi như hiện nay.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sau 9 ngày thực hiện thí điểm mở lại các đường bay nội địa cho thấy lượng hành khách có nhu cầu đi lại lớn tập trung ở ba sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng.

Vì vậy, nhà chức trách hàng không kiến nghị khôi phục lại các đường bay nội địa theo chiều hướng tăng tần suất các đường bay trên, bảo đảm thực hiện đủ các quy định phòng, chống dịch mà Bộ Y tế quy định. Trong đó, chặng Hà Nội-TPHCM Cục Hàng không đề xuất khôi phục tối đa 6 chuyến bay/tuần và phân bổ đều cho các hãng.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng việc thí điểm nối lại đường bay nội địa, đường bộ, đường sắt bước đầu đạt được kết quả về phục hồi sản xuất và phục hồi lĩnh vực giao thông. Các địa phương đã chủ động vào cuộc tích cực triển khai, nhất là khôi phục sản xuất và giao thông vận tải.

Nhấn mạnh chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19”, Phó Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục duy trì và mở thêm các chuyến bay. Bên cạnh đó, chỉnh sửa một số điều kiện phù hợp hơn với thực tế. Ngoài ra, duy trì tuyến đường sắt và đường bộ.

Song song phục hồi các tuyến giao thông, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương phải chú trọng, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nhất là các địa phương “vùng xanh” phải phát hiện sớm, không để xảy ra ổ dịch. Phó Thủ tướng cho rằng, cần phát huy vai trò của ban chỉ đạo của các địa phương, nhất là hệ thống cơ sở, tổ giám sát COVID-19 cộng đồng ở trong tất cả các khu dân cư.

Các địa phương cũng được giao khẩn trương tổ chức tiêm vaccine cho lao động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và lưu thông hàng hóa.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT rà soát lại khi có ý kiến địa phương cho rằng là việc kiểm soát giao thông đường bộ chưa được chặt chẽ. Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và ban hành kế hoạch khai thác vận tải hàng không và đường sắt trong thời gian tới.

Cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Thành Thống, cho rằng vừa qua các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp đã thể hiện vai trò là lực lượng quan trọng, chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết việc phối hợp giữa các cơ quan tại một số địa phương chưa đồng bộ, nhất quán do chưa thành lập các tổ công tác/ban chỉ đạo phòng, chống COVID - 19, dẫn đến ách tắc cục bộ trong quá trình xử lý kiến nghị của doanh nghiệp. Việc hướng dẫn các chính sách phòng, chống COVID -19 tại một số địa phương vẫn còn chưa thống nhất.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất là đặc biệt quan trọng. “Các địa phương muốn phát triển thì phải sâu sát, là điểm tựa, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”. Nếu không làm tốt việc này thì nơi đó phục hồi sẽ chậm, bởi doanh nghiệp không có điểm tựa.

“Các địa phương cần rà soát lại và tăng cường thêm công tác này, đây là yếu tố quan trọng để phục hồi sản xuất”- Phó Thủ tướng nhắc lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm