Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “Không thể không làm đường sắt cao tốc”

Vấn đề cho nước ngoài thuê rừng vẫn nóng trong phiên chất vấn Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng sáng 12-6 bên cạnh chuyện vay vốn ODA.

Nên tri ân các cụ hưu trí và báo chí

Đại biểu (ĐB) Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi: “Các địa phương cho nước ngoài thuê rừng cho đến khi các vị hưu trí phản ánh Chính phủ mới biết? Ngoài Bộ NN&PTNT, ai phải chịu trách nhiệm? Rút giấy phép thì bồi thường thế nào?”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phân trần: “Khổ là địa phương họ làm đúng luật, giờ rà lại thì đúng là có chuyện. Chính phủ sẽ đánh giá, chỗ nào làm không tốt sẽ xem lại trách nhiệm, còn rút giấy phép hay không phải xem lại các quy định của pháp luật”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐB Đồng Nai) ví von: Lãnh đạo tỉnh đều học qua các khóa về chính trị, quốc phòng, an ninh nhưng lại vận dụng kẽ hở của một luật, bỏ quên các luật khác. Câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy vẫn còn đó và chúng ta phải làm rõ, xử lý cán bộ cấp phép. Cạnh đó, Chính phủ nên có lời tri ân các cụ lão thành và khích lệ báo chí đã lên tiếng để kịp ngăn chặn việc này…

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “Không thể không làm đường sắt cao tốc” ảnh 1

Đại biểu LÊ VĂN CUÔNG (Thanh Hóa): EVN khi cần tăng giá điện thì nói là lỗ, khi thưởng lại nói làm ăn lãi, dân sai thì bị phạt, điện cắt tùy tiện, làm không đúng hợp đồng thì không sao! Phó Thủ tướng thường trực NGUYỄN SINH HÙNG: Trách nhiệm thiếu điện ở Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Công thương, trực tiếp là Tập đoàn Điện lực. Thủ tướng đã phê bình EVN, chả nuông chiều tí nào đâu!

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Thủ tướng đã có chỉ đạo rồi, ai sai sẽ bị xử lý trách nhiệm. Tuy nhiên, mức kỷ luật còn tùy thuộc vào kết quả kiểm tra. Nếu luật pháp còn kẽ hở, phải bịt lại...  Cán bộ sai thì phải sửa nhưng phải cân lên đặt xuống. Nếu cách chức ngay, lấy ai làm việc. Pháp luật cũng có đạo lý, nếu cứ sai là dẹp thì chúng ta bầu cán bộ không kịp”.

Vốn ODA như bú sữa hàng xóm!

Chuyện vay vốn ODA cũng làm các ĐB không yên tâm. ĐB Dương Trung Quốc hỏi: Bao giờ thì chúng ta cai được vốn ODA? Nước cho vay vốn này có ràng buộc gì về chính trị?

Ông Nguyễn Sinh Hùng cho hay: “Chưa thấy dự án nào vay ODA phải nhượng bộ về chính trị nhưng có ràng buộc về kinh tế vì chúng ta bú sữa hàng xóm nên không giành tự quyết được. Xét lợi ích tổng hợp thì ODA là hiệu quả. Ta phải tranh thủ ODA càng dài càng tốt. Nước nghèo thì họ hỗ trợ, mình giàu lên thì phải trả lãi” - ông nói.

Với dự án đường sắt cao tốc, Phó Thủ tướng cho biết là ông rất yên tâm vì không thể không làm. “Còn làm thế nào, dài hay ngắn thì Đảng, Chính phủ, Quốc hội sẽ tính. Tôi không lo chuyện không có tiền để làm như các đồng chí lo lắng...”. Ông dự báo: Hiện GDP của Việt Nam là 106 tỉ USD, năm 2020 sẽ gần 300 tỉ, năm 2030 sẽ là 700 tỉ và năm 2040 sẽ là 1.000 tỉ. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200, đến năm 2040 sẽ đạt 20.000 USD.

“Đây là quyết tâm mang tầm chiến lược để đến năm 2020 chúng ta thành nước công nghiệp” - Phó Thủ tướng nói.

Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã gửi tới Chính phủ hơn 190 câu chất vấn. Sau khi các thành viên liên quan của Chính phủ đã trả lời gián tiếp qua văn bản và trả lời trực tiếp tại hội trường trong hai ngày qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày bổ sung, giải trình và trả lời chất vấn sáu vấn đề lớn: 

- Ổn định trong phát triển

- Tăng chi cho an sinh xã hội bằng mọi cách 

- Khắc phục tình trạng đầu tư khai thác khoáng sản tràn lan

- Hoàn chỉnh dự án đường sắt cao tốc theo góp ý của Quốc hội

- Sẽ báo cáo bổ sung về đồ án quy hoạch Hà Nội

- Về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ

(Theo trang web Chính phủ)

Lương cán bộ SCIC tại sao cao?

Với lương trung bình của các cán bộ ở Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khoảng 80 triệu đồng/tháng, chỉ có 130 cán bộ nhưng khai là 180 người, có người làm thêm tới  500 giờ mà phổ biến là 200 giờ/năm…

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng giải thích: Con số dôi ra 3,8 tỉ đồng là quỹ lương dựa trên kế hoạch tuyển người, không phải quỹ lương thực tế. Lương dự phòng vẫn treo ở đó, không chi cho ai. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng vẫn chưa giải thích vì sao lương của cán bộ ở SCIC lại cao như vậy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết kỳ họp này Quốc hội sẽ không ra nghị quyết về chất vấn, tuy nhiên ông yêu cầu trích biên bản chất vấn, gửi tới cơ quan chức năng để thực hiện và giám sát.

Cảm nhận của đại biểu về phiên chất vấn

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “Không thể không làm đường sắt cao tốc” ảnh 2

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Hải Phòng:

“Chưa hài lòng!”

Bộ trưởng chưa đưa ra giải pháp cụ thể về phân bón, thuốc trừ sâu giả vì vẫn chưa giải quyết triệt để. Mà đây là vật tư thiết yếu của nông nghiệp, gây hại cho nông dân rất lớn.

Dịch heo tai xanh xảy ra đã nhiều năm, đến nay vẫn chưa dứt được. Cứ tái đi tái lại dù mức độ, phạm vi có giảm dần. Nhưng như thế cũng cho thấy quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa tốt. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có nhiều cố gắng nhưng cần phải có chuyển biến trên thực tế, cử tri mới cảm nhận được.

Danh sách chất vấn chỉ bốn bộ trưởng và một phó thủ tướng nhưng các bộ trưởng khác đều có mặt để giải trình thêm những vấn đề mang tính liên ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, trả lời chất vấn đã bộc lộ sự chưa rành mạch trách nhiệm giữa các bộ trong khi phối hợp xử lý chưa nhuần nhuyễn.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Yên Bái:

Trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chưa ổn

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: “Không thể không làm đường sắt cao tốc” ảnh 3

Bộ trưởng Cao Đức Phát có văn bản và cũng giải trình thêm với Quốc hội về vấn đề cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng nhưng chưa thuyết phục, nhờ có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc giải trình, đại biểu và cử tri mới biết là Chính phủ đang rà soát các dự án đã cấp phép… việc đã rồi, giờ quan trọng là giải pháp xử lý để vừa ổn định được môi trường đầu tư, vừa đảm bảo an ninh-quốc phòng cũng như quyền lợi của dân.

Cả kỹ năng và nội dung trả lời của Bộ trưởng Phát đều chưa ổn. Toàn những vấn đề bức xúc, đại biểu quan tâm mà chẳng trả lời thẳng vào nên càng thêm bức bối.

Trong các bộ trưởng đã trả lời, tôi thấy Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng là trả lời chân tình, đầy đủ, thuyết phục nhất. Còn trả lời ngắn mà nhiều thông tin, mạch lạc, dứt khoát nhất phải là Bộ trưởng Võ Hồng Phúc. Ông Phúc không phải là người bị chất vấn nhưng phần báo cáo thêm về phương án xử lý rừng đã cho nước ngoài thuê phần nào giúp đại biểu, cử tri bớt lo lắng.

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm