Văn phòng tổng thống Pháp vừa mới công bố một bản “điều lệ minh bạch” cho thấy vai trò rõ ràng của bà Macron. Theo đó, bà Macron sẽ có quyền tham dự cùng Tổng thống Macron trong các hội nghị cấp cao, các cuộc gặp quốc tế, hoặc tổ chức các cuộc gặp cấp cao trong Điện Elysee.
Phu nhân tổng thống Pháp cũng sẽ làm việc cho các chính sách xã hội dân sự, tập trung vào việc giúp đỡ những người khuyết tật, nền giáo dục, trẻ em, các vấn đề của phụ nữ, sức khỏe và bình đẳng giới.
Bà Brigitte Macron, phu nhân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AP.
Bản điều lệ mới của Pháp dùng cụm từ “bạn đời của người đứng đầu nhà nước”, thay cho từ “đệ nhất phu nhân”. Theo hãng tin BBC, với “điều lệ minh bạch” mới này của Điện Elysee, dù không công nhận chức danh “đệ nhất phu nhân”, nhưng cũng là một sự đổi mới chưa từng có, bởi chưa từng có tổng thống Pháp nào trước đây nêu rõ vai trò của bạn đời mình như vậy.
Trong thời gian làm việc cho chính phủ, bà Macron sẽ không được trả lương, không có ngân sách riêng và cũng không được yêu cầu thêm chi phí. Bà sẽ có dàn phụ tá gồm hai cố vấn, văn phòng riêng và một thư kí. Lương của những người này sẽ được trích từ nguồn quỹ lương của tổng thống dành cho các nhân viên của mình.
Bà Brigitte Macron, 64 tuổi, từng là giáo viên cũ của ông Macron tại ngôi trường học ở thị trấn Amiens, miền bắc nước Pháp. Trong quá trình vận động tranh cử trước đó, Tổng thống Emmanuel Macron từng đề xuất sửa đổi luật hoặc Hiến pháp để lập ra vị trí đệ nhất phu nhân dành cho các phu nhân tổng thống.
Ý kiến này bị nhiều người phản đối kịch liệt khi có hơn 300.000 người đã kí vào đơn kiến nghị phản đối việc trao vai trò “đệ nhất phu nhân Pháp” cho bà Macron.