Bộ Công Thương sẽ làm việc với Bộ TN&MT đầu tư trang bị thêm một số hệ thống, thiết bị quan trắc trên sông Ba. Trước mắt, các nhà máy thủy điện phải đảm bảo dòng chảy tối thiểu của sông Ba cho hạ du theo lưu lượng thiết kế để chống hạn và tuân thủ quy trình vận hành liên hồ. Bộ cũng ghi nhận tình trạng bất hợp lý của Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak để nghiên cứu”. Bộ trưởng Bộ Công Thương nói tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Công Thương với lãnh đạo chủ chốt, các doanh nghiệp ở Phú Yên ngày 26-3.
Tại cuộc họp, ông Đào Tấn Lộc, Bí thư tỉnh Phú Yên, nêu hàng loạt bất cập trong vận hành các hồ chứa nước thủy điện trên sông Ba: “Vào mùa mưa, các hồ chứa ở thượng nguồn xả lũ ồ ạt khiến chính quyền, người dân bị động. Vào mùa khô, các nhà máy chỉ phát điện, xả nước vào giờ cao điểm để bán điện giá cao khiến vùng hạ du bị khô hạn nghiêm trọng. Nhiều công trình thủy lợi xây dựng trước các nhà máy thủy điện giờ không có nước. Bộ Công Thương phải chỉ đạo để các thủy điện vận hành đúng quy định, phải hiểu ưu tiên hàng đầu nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và có chế tài với các nhà máy thủy điện không vận hành theo quy định, gây khô hạn…” - ông Lộc nói.
Sông Vu Gia - Thu Bồn cạn kiệt vì thủy điện không xả nước. Ảnh: LÊ PHI
Ông Lê Tuấn Phong, Tổng cục phó Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), thừa nhận việc dự báo nguồn nước trên sông Ba không chính xác vì khả năng dự báo không quá năm ngày. Về tình trạng khô hạn hiện nay, đại diện Tổng cục Năng lượng đề nghị địa phương “có kế hoạch sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất hợp lý”…
l UBND TP Đà Nẵng cũng vừa có văn bản gửi Bộ TN&MT, Bộ Công Thương đề nghị nhanh chóng chỉ đạo thủy điện ĐakMi 4 (tỉnh Quảng Nam) trả lại nước cho vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn.
Văn bản nêu: Lượng mưa từ đầu năm 2013 đến nay rất ít, cùng với việc thủy điện ĐakMi 4 không xả nước nên vùng hạ lưu thiếu nước nghiêm trọng: Mực nước tại Ái Nghĩa chỉ đạt 2,21 m (thấp kỷ lục trong 30 năm nay trở lại đây); nước trên sông Cầu Đỏ đang bị nhiễm mặn dài ngày khiến Nhà máy nước Đà Nẵng phải lấy nước thô từ đập dâng An Trạch làm tăng chi phí vận hành.
“Gần 7.000 ha lúa thuộc các huyện Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) và huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đang hạn nặng do lưu lượng nước không đủ nên các trạm bơm, máy bơm không thể hoạt động được…” - ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay.
Cùng ngày, Đà Nẵng cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị tỉnh này kiến nghị Bộ TN&MT, Bộ Công Thương với nội dung trên. UBND TP Đà Nẵng cũng thống nhất với UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở NN&PTNT của hai tỉnh, thành nghiên cứu giải pháp cấp bách để khai thông cửa sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc) đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho hai địa phương.
Thời gian qua, thủy điện ĐakMi 4 chặn dòng lấy nước nhưng không xả về hạ lưu TP Đà Nẵng làm cho gần 1 triệu dân TP này thiếu nước nghiêm trọng.
TẤN LỘC - LÊ PHI