Ngày mai, 27-12, Tòa Cấp cao tại TP.HCM sẽ phúc thẩm đại án gây thiệt hại 9.000 tỉ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Sau phiên xử sơ thẩm kéo dài hơn 40 ngày, từ trại giam Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng - VNCB) cùng 24 đồng phạm trong vụ án cũng đã nộp đơn kháng cáo (11 bị cáo không kháng cáo). Trong đó ông Danh kháng cáo toàn bộ bản án. Các nguyên đơn dân sự, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan cũng kháng cáo.
Phạm Công Danh và đồng phạm tại phiên toà sơ thẩm
Đáng chú ý, TAND Cấp cao tại TP.HCM cho biết đã gửi giấy ủy thác triệu tập bà Phạm Thị Trang (Trang "phố núi") tham gia phiên tòa phúc thẩm này với tư cách người liên quan và nhân chứng nhờ tòa án có thẩm quyền tại Hoa Kỳ thực hiện.
Bản án sơ thẩm xác định bà Trang có hành vi giúp sức cho các vi phạm Danh. Từ đó HĐXX đã có quyết định khởi tố vụ án đối với hành vi giúp sức này của bà Trang. Liên quan đến bà Trang, trong suốt diễn biến phiên tòa sơ thẩm, bà Trần Ngọc Bích khai rằng bà chỉ cho Trang vay tiền, không cho Danh vay. Còn Danh thì khẳng định toàn bộ số tiền 5.490 tỉ đồng mà các nhân viên Ngân hàng Xây dựng đã chuyển đi từ tài khoản của bà Bích sang tài khoản của Phạm Công Danh là do bà Bích cho Danh vay. Tuy nhiên, bà Trang đã sang Mỹ sinh sống. Khi cơ quan điều tra khởi tố và điều tra vụ án đã không làm rõ được hành vi của bà Trang.
Sau khi bản án sơ thẩm tuyên, bà Trang đã gửi đơn đến TAND Cấp cao tại TP.HCM, khẳng định bà có giới thiệu ông Danh gặp ông Trần Quý Thanh nhưng không liên quan gì đến việc vay mượn giữa ông Danh và bà Bích.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các luật sư của bị cáo Phạm Công Danh cho biết: "Hiện sức khỏe của ông Danh đang ngày yếu đi so với lúc tòa xét xử sơ thẩm. Chúng tôi khá lo ngại sức khỏe ông ấy có đảm bảo để tham dự phiên tòa hay không".
Theo bản án sơ thẩm, Danh đã chỉ đạo thuộc cấp thực hiện các hành vi phạm tội, thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại 63 tỉ đồng; thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, TP.HCM gây thiệt hại 581,6 tỉ đồng.
Ông Danh cũng chỉ đạo rút trên 5.000 tỉ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản; chỉ đạo lập hồ sơ khống cho vay gây thiệt hại 2.000 tỉ đồng. Thông qua sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và hai pháp nhân, xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật, chỉ đạo định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh, TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay tại VNCB 5.000 tỉ đồng (đã tất toán được 300 tỉ đồng).
Ngoài ra, ông Danh cũng chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh, chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh, chuyển khoản hoặc rút tiền mặt với số tiền là 4.700 tỉ đồng để trả nợ…
Trước đó, TAND TP.HCM tuyên phạt Phạm Công Danh 30 năm tù, Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) 22 năm tù về hai tội cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các bị cáo còn lại từ ba năm án treo cho đến 20 năm tù giam. Bản án cũng tuyên buộc ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh bồi hoàn cho VNCB trên 4.000 tỉ đồng.