Hàng chục ngàn du học sinh Trung Quốc ở các quốc gia phương Tây đã chọn về nước trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và các trường học buộc phải đóng cửa, trang tin Channel News Asia cho hay.
Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc năm 2018, nước này có hơn 662.000 du học sinh đang học tập ở nước ngoài.
Mối lo ngại các địa phương Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm dịch đối với khách nhập cảnh và có thể cắt giảm các chuyến bay quốc tế cũng góp phần làm gia tăng làn sóng sinh viên trở về Trung Quốc.
Một du học sinh Trung Quốc về nước từ sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York (Mỹ). Ảnh: REUTERS
Hiện tại, giá vé các chuyến bay thẳng từ nước ngoài về Trung Quốc đã nhanh chóng tăng gấp 3-4 lần. Đặc biệt, giá các chuyến bay từ London về Hong Kong (dù không bay thẳng về Trung Quốc đại lục) đã tăng gấp 10 lần, lên tới mức 70.000 nhân dân tệ (khoảng 231,8 triệu đồng). Người Trung Quốc sau khi về đến Hong Kong sẽ qua đại lục qua ngả Thâm Quyến.
Trong ngày 15-3, lượng người đi từ Hong Kong sang TP Thâm Quyến đã tăng hơn gấp đôi so với tuần trước đó, lên mức hơn 2.000 người.
Một số hành khách chia sẻ họ phải xếp hàng trong suốt 8 giờ đồng hồ trước khi hoàn thành việc kiểm dịch và đã có sự quá tải ở ranh giới Hong Kong và Thâm Quyến. Khi về đến khách sạn, cảnh sát vẫn tiếp tục theo dõi để phản ứng kịp thời khi có người nghi nhiễm bệnh.
Cô Vivian Yuan đã tạo một nhóm trò chuyện trên mạng xã hội WeChat để chia sẻ thông tin cho những người muốn trở về Trung Quốc sau khi cô này đã giúp một người bạn bay từ London về Hong Kong.
Tính đến sáng ngày 18-3, nhóm trò chuyện của cô Yuan đã có khoảng 400 thành viên chia sẻ thông tin về các chính sách xuất nhập cảnh bằng đường hàng không và các trải nghiệm mới nhất khi bay về tới Trung Quốc.
"Cũng dễ hiểu tại sao mọi người đang hoảng loạn" - cô Yuan nhận định.
"Việc chỉ mua một vé máy bay thôi cũng trở nên thực sự khó khăn. Bạn không thể tìm được các chuyến bay thẳng và còn rất nhiều điều vẫn chưa chắc chắn được" - cô Yuan giải thích.
Về Trung Quốc vì sự an toàn của bản thân
"Tôi không thể đoán biết trước tương lai, nhưng có vẻ như việc kiểm soát dịch ở Trung Quốc mạnh hơn" - theo anh Zhang (20 tuổi, sinh viên Đại học Harvard).
Anh Wang Zihang, một học sinh năm cuối trung học ở Pháp, cũng lựa chọn về Trung Quốc.
"Tôi sợ ở lại (châu Âu - PV). Không phải vì hệ thống y tế hay nền kinh tế của họ, chỉ là vì các nước đó quá nhỏ để đối phó với quá nhiều người bệnh cùng một lúc" - anh Wang nói.
Một học viên cao học tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), người đã về Trung Quốc từ cuối tuần trước, nói với phóng viên báo South China Morning Post rằng anh về nước vì "hệ thống y tế ở đây đã (có kinh nghiệm - PV) chữa trị cho hàng chục ngàn ca bệnh".
Còn theo một du học sinh Trung Quốc tên Roger Zhang nói với hãng tin Reuters thì: "Có rất nhiều điều không chắc chắn và tôi nghĩ rằng việc có nhiều sự hỗ trợ - gia đình và bạn bè ở Trung Quốc - sẽ giúp tôi trải qua giai đoạn này dễ dàng hơn".
Một du học sinh Trung Quốc đã về nước và tự cách ly tại một khách sạn ở tỉnh Sơn Tây. Ảnh: REUTERS
Nhưng ở lại vẫn là lựa chọn hợp lý
Tuy nhiên, vẫn có một số lượng sinh viên đang ở nước ngoài không chọn trở về Trung Quốc. Ví dụ như cô Elaine Liu, sinh viên Trường Wharton, Đại học Pennsylvania, cho rằng ở Mỹ vẫn là "lựa chọn an toàn hơn".
Cô lo sợ việc bay về Trung Quốc có thể tạo ra nguy cơ lây nhiễm cao hơn, do những hành khách có thể đã nhiễm bệnh nhưng không được xét nghiệm ở Mỹ trước khi lên máy bay.
Tuy nhiên, cô cũng thừa nhận việc quay về Trung Quốc có thể là lựa chọn tốt hơn. Ở Philadelphia, cô "không còn hoạt động ngoài trời nữa và không có cơ hội ra ngoài với bạn bè", trong khi đó người dân ở Trung Quốc "có thể ra ngoài nếu họ đeo khẩu trang".
Cô Yu Ding, học viên cao học tại Đại học George Washington, cũng quyết định ở lại Mỹ sau khi đã cân nhắc những nguy cơ mình có thể gặp phải.
Cô nói rằng mình còn trẻ nên nguy cơ đối với sức khỏe là tương đối thấp, ngay cả khi nhiễm COVID-19. Cùng với việc giá vé máy bay đang tăng cao, cô đã chọn ở lại Washington.
"Tôi sẽ tốt nghiệp trong hai tháng tới và tìm kiếm việc làm, thật sự không có thời gian để lãng phí trên các chuyến bay quốc tế và trong các khu cách ly" - cô Ding nói.
Tính tới chiều 18-3, thế giới đã có 193.736 ca nhiễm COVID-19, có 7.898 bệnh nhân đã tử vong và 81.744 người đã được chữa khỏi, theo South China Morning Post.
Trung Quốc là ổ dịch lớn nhất thế giới nhưng số ca nhiễm mới đã giảm mạnh. Ngày 17-3, lần thứ hai liên tiếp Trung Quốc chỉ phát hiện một ca nhiễm mới trong nước. Tất cả 12 trường hợp nhiễm bệnh còn lại đều liên quan đến nguồn bệnh từ nước ngoài, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc.
Ngoài Trung Quốc, Iran và Hàn Quốc, các nước có số người nhiễm COVID-19 lớn hơn 1.000 ca đều là các quốc gia Âu-Mỹ. Ý là tâm dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc với 31.506 ca nhiễm và 2.503 người tử vong. Mỹ đang có 5.712 ca nhiễm và 103 trường hợp tử vong.