Các nước trong nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức) đã bí mật cho phép Iran được miễn thực hiện một số điểm trong thỏa thuận hạt nhân để hai bên có thể tiến hành thực hiện thỏa thuận đúng thời hạn, hãng tin Reuters (Mỹ) dẫn báo cáo của Viện An ninh Quốc tế và Khoa học (ISIS-Mỹ) công bố ngày 1-9.
Báo cáo của ISIS dựa vào các thông tin do một số quan chức chính phủ Mỹ liên quan cuộc thương lượng hạt nhân Iran cung cấp. Đồng tác giả báo cáo, Chủ tịch ISIS David Albright không cho biết tên các quan chức này. Reuters cũng không thể xác định được các quan chức này.
“Các miễn trừ hay các lỗ hổng này diễn ra trong bí mật và có lợi cho Iran.” Reuters dẫn lời tác giả báo cáo David Albright - vốn là một cựu thanh tra vũ khí hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), điều tra chương trình vũ khí hạt nhân của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
Xe tải bên ngoài cơ sở hạt nhân Fordo của Iran. Ảnh: AP
Các miễn trừ này được một ủy ban hành động chung làm việc về thỏa thuận đồng ý. Ủy ban này gồm các thành viên của nhóm P5+1 và Iran.
Một trong các miễn trừ là ISIS đề cập trong báo cáo là cho phép Iran có quyền sở hữu số lượng uranium làm giàu thấp ở mức 3,5% cao hơn số lượng quy định trong thỏa thuận tại các cơ sở hạt nhân của mình. Thỏa thuận chính thức chỉ cho phép Iran sở hữu 300 kg uranium làm giàu 3,5%.Uranium làm giàu thấp có thể được tinh chế thành uranium làm giàu cao, dùng trong chế tạo vũ khí hạt nhân.
Miễn trừ thứ hai là cho phép Iran giữ lại một lượng uranium làm giàu 20% không xác định ở các phòng thí nghiệm. Thỏa thuận chính thức yêu cầu Iran đưa tất cả uranium làm giàu 20% về các lò phản ứng.
Theo nhiều chuyên gia, nếu không rõ Iran đang sở hữu bao nhiêu uranium làm giàu thấp thì không thể biết Iran có khả năng tinh chế được bao nhiêu uranium làm giàu cao.
Ủy ban hành động chung cũng đồng ý cho phép Iran tiếp tục vận hành số phòng chứa phóng xạ nhiều hơn 19 phòng so với số quy định trong thỏa thuận. Những “căn phòng nóng” này có thể được dùng vào quá trình ly tâm plutonium - một loại nhiên liệu nữa của vũ khí hạt nhân.
Thỏa thuận hạt nhân chính thức cho phép Iran sở hữu 130 tấn nước nặng -chất giảm tốc trong lò phản ứng hạt nhân, có thể dùng trong sản xuất vũ khí hạt nhân - được sản xuất tại cơ sở hạt nhân Arak, số còn dư phải bán ra thị trường. Tuy nhiên vì không có bên mua, Ủy ban hành động chung đã giúp Iran bằng cách cho phép Iran gửi 50 tấn nước nặng sang gửi nhờ ở Oman và Iran vẫn kiểm soát số nước nặng này.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif (phải) gặp nhau tại Vienna (Áo) tháng 1. Ảnh: AFP
Báo cáo của ISIS dẫn lời một quan chức Mỹ cấp cao biết nhiều về quá trình thương lượng hạt nhân cho biết nếu ủy ban chung này không lập ra các miễn trừ, một số cơ sở hạt nhân của Iran sẽ không thể bắt kịp thời hạn cuối phải thực hiện thỏa thuận là ngày 16-1, ngày bắt đầu gỡ bỏ trừng phạt cho Iran.
Theo các thông báo công khai của chính phủ Mỹ thì các nước P5+1 không hề có thỏa thuận bí mật nào với Iran.
Theo ông Albright, các miễn trừ này có rủi ro sẽ tạo tiền lệ rằng Iran có thể đòi thêm một số quyền miễn trừ khác.
Phía Iran chưa bình luận về báo cáo của ISIS. Các nhà ngoại giao của nhóm P5+1 tại LHQ cũng không trả lời đề nghị bình luận của Reuters.
Trong ngày 1-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bác bỏ việc Iran không phải tuân thủ giới hạn 300 kg uranium làm giàu thấp quy định trong thỏa thuận.
“Không có chuyện nới lỏng quy định và Iran không và sẽ không được phép sở hữu uranium làm giàu thấp vượt mức quy định trong thỏa thuận.” ông Kirby chỉ thừa nhận nội dung Iran chở nước nặng sang gửi bên Oman.
Ông Kirby từ chối bình luận cụ thể về công việc của Ủy ban hành động chung, gọi đó là nội dung “mật”.
Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Mỹ Josh Earnest cho biết phản đối mạnh một số nội dung trong báo cáo của ISIS, nói rằng việc gỡ bỏ trừng phạt của Mỹ và phương Tây luôn tùy thuộc vào thực tế tôn trọng thỏa thuận hạt nhân của Iran có sự kiểm tra của IAEA.
Nhà Trắng Mỹ nói chính phủ thường xuyên báo cáo với Quốc hội “một cách toàn diện” về quá trình làm việc của Ủy ban hành động chung này. Tuy nhiên Thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Menendez, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện - vốn phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran nói với Reuters “Tôi không hay biết và cũng không nhận được báo cáo này về các miễn trừ.”
Báo cáo của ISIS làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ đảng Cộng hòa, dĩ nhiên không loại trừ từ chiến dịch tranh cử tổng thống cho ông Donald Trump. Những người thực hiện chiến dịch đang cố tìm mối liên quan giữa đối thủ Hillary Clinton và việc này. Bà Clinton đã rời chức Ngoại trưởng trước khi nhóm P5+1 chính thức đàm phán với Iran. Chiến dịch tranh cử bà Clinton chưa bình luận về báo cáo của ISIS.