Giáo sư Võ Tòng Xuân - người làm gì cũng nghĩ đến lợi ích của nông dân

(PLO)- Gần 35 năm từ một nước thiếu gạo, Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong đó có sự góp sức không nhỏ của nhà khoa học “nông dân”, giáo sư Võ Tòng Xuân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày cuối đời dù đang điều trị bệnh nhưng giáo sư Võ Tòng Xuân vẫn luôn nhiệt huyết chia sẻ những góp ý để làm sao người nông dân trồng lúa, trồng sầu riêng, nuôi cá… vừa được mùa, được giá. Tôi nhớ như in câu nói của thầy Võ Tòng Xuân: “Chính sách gì, làm gì cũng phải có lợi cho người nông dân, nông dân giàu thì nông nghiệp mới phát triển!”.

“Chỉ mong muốn nông dân Việt Nam giàu hơn”

Giáo sư Võ Tòng Xuân là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. GS cùng một vị GS nước ngoài khác được vinh danh vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

GS Võ Tòng Xuân được biết đến là người góp công đưa giống lúa IR36 được trồng phổ biến tại các vùng thường xuyên bị rầy nâu tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long. IR36 hiện là một trong những giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới châu Á, giúp giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu. Đây là những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao giúp nông dân chuyển từ 1 vụ sang 2 vụ rồi 3 vụ như đến nay.

giao-su-vo-tong-xuan-hoi-thao.jpg
Giáo sư Võ Tòng Xuân góp ý giải pháp cho xuất khẩu gạo Việt Nam tại buổi tọa đàm tổ chức hồi tháng 1-2024. Ảnh: QH

TS Trần Ngọc Thạch Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, GS Xuân là một trong những người tiên phong kết nối, đào tạo cán bộ cho ngành lúa gạo Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới. Thầy là một trong những người đầu tiên kết nối được với Viện lúa Quốc tế (IRRI), từ đó tiếp nhận được nguồn vật liệu ban đầu rất quan trọng để xây dựng, phát triển được những bộ giống lúa phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long như IR36, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng lúa, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Dù đóng góp rất nhiều thành tựu cho ngành nông nghiệp nước nhà nhưng thầy Võ Tòng Xuân không bao giờ nhắc đến những gì mình đã làm được. GS Võ Tòng Xuân luôn tâm niệm: “Tôi muốn làm sao để người nông dân Việt Nam giàu hơn. Đi nước này nước kia, tôi thấy sao người nông dân người ta giàu quá vậy mà nông dân nước mình tại sao lại nghèo thế. Cần làm sao để người nông dân trồng lúa Việt Nam có thu nhập cao lên”.

“Chính sách phải vì lợi ích nông dân”

Thông tin Giáo sư Võ Tòng Xuân từ trần là mất mát quá lớn đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương Thực Việt Nam (VFA) xúc động: “Thầy Võ Tòng Xuân là “cây đại thụ” của ngành nông nghiệp nước nhà, thầy ra đi là mất mát không gì bù đắp được. Ngành lúa gạo có được sự phát triển vượt bậc, trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới có sự đóng góp rất lớn của GS Võ Tòng Xuân”.

Ông Nam chia sẻ thêm, GS Võ Tòng Xuân còn góp công rất lớn vào chính sách phát triển nông nghiệp nước ta.

“Những góp ý thẳng thắn, tâm huyết của thầy cho doanh nghiệp cho chính hiệp hội đã tạo động lực để ngành lúa gạo Việt Nam có những thay đổi vượt bậc. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng cánh đồng lớn, tạo chuỗi liên kết với nông dân, từng bước tăng giá trị hạt gạo Việt, phát triển thương hiệu gạo Việt Nam ra thế giới”- ông Nam chia sẻ.

giáo sư Võ Tòng Xuân
Giáo sư Võ Tòng Xuân đóng góp nhiều thành tựu cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Ảnh: Quốc Định

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc điều hành Công ty Gạo Việt ngậm ngùi: “Giáo sư Võ Tòng Xuân ra đi nhưng những thành tựu của thầy để lại rất lớn cho ngành lúa gạo, nông nghiệp Việt Nam. Không chỉ là nhà khoa học gắn bó với cây lúa, thầy còn là chuyên gia phản biện chính sách, luôn vì lợi ích người nông dân, giúp cơ quan quản lý có những định hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp”.

Trước khi mất, GS Võ Tòng Xuân vẫn đang còn đau đáu với những góp ý đề xuất chính sách để ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, để người nông dân không trồng lúa vẫn có thể trồng được loại cây trồng khác, vẫn có thu nhập tốt. GS Xuân cũng kỳ vọng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp do Bộ NN&PTNT triển khai tại ĐBSCL sẽ tái cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo, sắp xếp lại trật tự của chuỗi giá trị hạt gạo, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Tang lễ của Anh hùng Lao động, Giáo sư Võ Tòng Xuân được tổ chức tại TP Cần Thơ

Ông Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang. Ông là nhà khoa học Việt Nam nhận được nhiều danh hiệu, phần thưởng lớn trong nước và quốc tế...

Giáo sư sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, ông là anh cả. Năm 1961, ông nhận học bổng du học tại Trường đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos.

Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Lúa quốc tế (IRRI) tại Philippines.

Năm 1971, với tình yêu khoa học và khát khao cống hiến cho đất nước, Giáo sư Võ Tòng Xuân trở về Việt Nam và làm việc tại Trường ĐH Cần Thơ, sau đó ông lấy bằng tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1975.

giao-su-vo-tong-xuan3.JPG
Giáo sư Võ Tòng Xuân

Giáo sư Võ Tòng Xuân biên soạn nhiều giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhắc đến GS Võ Tòng Xuân là nhắc đến tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ trong nước mà còn thế giới.

Giáo sư Võ Tòng Xuân nhà khoa học có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Viện lúa ĐBSCL (nay là Trung tâm Nghiên cứu canh tác ĐBSCL), tạo ra ngân hàng giống lúa uy tín và chất lượng. Là người thầy của những học trò xuất sắc như kỹ sư Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của giống lúa ngon nhất thế giới ST24, ST25.

Ông được phong giáo sư nông học năm 1980, Anh hùng Lao động năm 1985 và là đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX.

Giáo sư Võ Tòng Xuân giữ chức Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ từ năm 1982-1997. Từ tháng 12-1999 đến tháng 11-2007, ông là Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang. Từ năm 2010 đến tháng 10-2013, ông giữ chức Hiệu trưởng Trường ĐH Tân Tạo.

Ông từng là ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam trong vòng 10 năm, từ 1996-2006.

Tháng 10-2013, ông là thành viên Hội đồng sáng lập và sau đó giữ chức quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, sau đó là Hiệu trưởng danh dự của trường này.

Dự kiến tang lễ của Anh hùng Lao động, GS.TS Võ Tòng Xuân được tổ chức tại Nhà tang lễ thành phố Cần Thơ, số 30A, đường Mậu Thân, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm