Đây là các quốc gia Đông Phi mà Doha đã đóng vai trò hòa giải tích cực trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ tồn đọng lâu năm.
Theo hãng tin AP, Qatar không đưa ra lời giải thích về động thái rút toàn bộ binh sĩ này. Tuy nhiên, thông cáo Bộ Ngoại giao Qatar nói rằng: “Qatar đã công tâm đóng vai trò hòa giải ngoại giao trong giải quyết các cuộc khủng hoảng và tranh chấp giữa các quốc gia anh em và láng giềng và sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn trong cộng đồng quốc tế”.
Hãng tin Reuters đưa tin Bộ Ngoại giao Qatar cho biết đã thông báo với Djibouti về việc rút quân này. Trong khi đó, truyền thông Saudi Arabia lại nói rằng chính Djibouti đã quyết định cắt giảm sự hiện diện quân sự của Qatar.
450 quân nhân Qatar đã rời khỏi biên giới giữa Djibouti và Eritrea. Ảnh: REUTERS
Hãng tin AP dẫn lời ông Nasredin Ali, phát ngôn viên của tổ chức Dân chủ từ xa Biển Đỏ (RSADO) của Eritrea, cho biết có 450 binh sĩ Qatar từng đóng tại khu vực biên giới. Nhà ngoại giao hàng đầu của Eritrea tại Liên minh châu Phi Araya Desta cho rằng động thái này diễn ra sau khi Eritrea cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. Tuy nhiên, ông nói Eritrea không muốn đối đầu với Djibouti.
Các quốc gia vùng Vịnh đã đóng quân ở hai quốc gia Đông Phi này, sử dụng nơi đây làm điểm xuất phát cho cuộc chiến tranh do Saudi Arabia dẫn đầu đang diễn ra ở Yemen. Qatar quyết định rút quân khỏi biên giới Eritrea và Djibouti trong bối cảnh bị cô lập từ các nước Ả Rập. Căng thẳng bùng nổ hôm 5-6 sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và các nước khác tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao, cắt hợp tác trên biển và trên không với Qatar vì cáo buộc Doha tài trợ khủng bố. Qatar phủ nhận mọi cáo buộc nhưng mối quan hệ với Iran và nhiều nhóm Hồi giáo khác nhau đã đưa đất nước vùng Vịnh này rơi vào khủng hoảng.