Quan điểm trái chiều trong việc xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH

(PLO)- Các đại biểu Quốc hội tranh luận khi nào thì xử lý hình sự hành vi trốn đóng BHXH tại điểm c, Khoản 2, Điều 36, dự thảo Luật BHXH sửa đổi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 23-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn số liệu về tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Điều này đã dẫn đến những hệ lụy người lao động phải gánh chịu.

Chỉ tính riêng số người lao động bị chậm đóng bảo hiểm trong năm 2022 lên tới 2,6 triệu người, trong đó số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc là chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn là 2.500 tỷ đồng, theo báo cáo của Chính phủ.

Db-Nguyen-Thi-Thuy.jpeg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh: QH

“Chúng ta đã biết là bảo hiểm xã hội thực hiện theo nguyên tắc đóng hưởng. Do đó khi người sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, tất cả những quyền lợi của người lao động đều bị ảnh hưởng và người lao động sẽ không được chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất”, bà Thuỷ nói.

Góp ý quy định xử lý hành vi trốn đóng BHXH, đại biểu tỉnh Bắc Kạn nói cần phải cân nhắc lại quy định "trốn đóng bảo hiểm xã hội là trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội mặc dù có khả năng đóng" tại điểm c, Khoản 2, Điều 36, dự thảo Luật BHXH sửa đổi để tránh xung đột với các quy định khác trong hệ thống pháp luật.

Theo bà Thuỷ, Điều 216 của Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội có quy định "người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội mà không đóng thì thuộc trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội"; nay dự thảo Luật BHXH lại đặt vấn đề "người nào có khả năng đóng mà không đóng thì thuộc trường hợp trốn đóng".

Do đó, theo nữ đại biểu, sẽ rất khó xác định khi nào gọi là "không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội", trong khi hàng tháng người sử dụng lao động vẫn trích trừ tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm.

“Chúng tôi rất lo rằng nếu như quy định này thì doanh nghiệp có thể lợi dụng và đưa ra lý do là làm ăn kinh doanh gặp khó khăn, do đó không có khả năng đóng thì sẽ không thể xử lý được về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội”, bà Thuỷ lo ngại.

Có quan điểm khác, đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng điểm c, khoản 2, Điều 36 “có lẽ sẽ làm thay đổi rất lớn về chính sách của chúng ta và nó cũng sẽ làm thay đổi các chính sách hình sự nữa”.

Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp nói, Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm cấu thành quy định tội phạm không phân biệt là có điều kiện hay không. “Các đại biểu cho rằng nên giữ lại để phù hợp với Bộ luật Hình sự, tôi lại suy nghĩ ngược lại. Tôi ủng hộ phương án của Chính phủ trình, đó là chỉ nên coi trốn đóng bảo hiểm khi nào người ta có điều kiện mà không đóng”- ông Long nêu quan điểm.

Bởi theo ông, thực trạng các doanh nghiệp hoạt động cũng có khó khăn, rất nhiều lý do mà doanh nghiệp không thể thực hiện được việc đóng BHXH hoặc chậm hoặc chưa thực hiện được nghĩa vụ của mình, cho nên việc xem xét này cũng là một điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Db-Nguyen-COng-Long.jpeg
Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai). Ảnh: QH

Đề cập đến nguyên tắc lập pháp và tư duy lập pháp, theo ông Long “Bộ luật Hình sự quy định như vậy thì tất cả quy định phải đi theo thì không phải”.

“Tôi cho rằng ngược lại, Bộ luật Hình sự quy định tất cả những tội phạm về hình phạt, những chế tài. Còn những hành vi vi phạm phải xác định ở trong luật chuyên ngành. Luật BHXH xác định cái nào là trốn đóng bảo hiểm, trên cơ sở đó Bộ luật Hình sự mới quy định tội đó, nếu điều chỉnh ở đây thì Bộ luật Hình sự phải sửa theo”, ông Long nói.

Cũng theo vị ĐBQH Đồng Nai, trong thực tiễn chúng ta đã có các tội danh cần phải sửa. Trước đây tội cho vay lãi nặng, theo lãi suất cơ bản của ngân hàng, bây giờ ngân hàng bỏ quy định về lãi suất thì chúng ta phải sửa Bộ luật Hình sự.

Điều 216 của Bộ luật Hình sự quy định người nào có hành vi trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên kèm theo một số dấu hiệu khác là đã cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội. Khi đó có thể bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, dự thảo Luật BHXH lại quy định "người nào có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên thì bị cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh".

Như vậy, cần phải quy định rõ hơn về vấn đề này tại Luật BHXH để nó không mâu thuẫn đối với việc hoãn xuất cảnh theo quy định của xử lý hình sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ, Đoàn ĐBQH Bắc Kạn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm