Ngày 30-10, tổ chức Heritage Foundation (Mỹ - chuyên nghiên cứu về chính sách công) công bố báo cáo hằng năm mang tên chỉ số sức mạnh quân đội Mỹ 2020, đánh giá năng lực quân đội Mỹ chỉ ở mức trung bình, không đủ sức đáp ứng hai cuộc chiến tranh lớn cùng lúc.
“Chỉ số 2020 kết luận sức mạnh của quân đội Mỹ nhiều khả năng chỉ đáp ứng được yêu cầu của một cuộc xung đột lớn khu vực…” - Heritage Foundation đánh giá về sức sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.
Sức mạnh tất cả binh chủng Mỹ chỉ ở mức trung bình
Trong chỉ số 5 điểm của Heritage Foundation kéo dài từ “rất mạnh” tới “rất yếu”, tất cả quân chủng Lục quân, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và lực lượng hạt nhân đều được xếp hạng ở mức trung bình - điểm C. Báo cáo cho rằng toàn bộ các quân chủng của lực lượng vũ trang Mỹ phải tiếp tục phát triển để đáp ứng được tiêu chuẩn có thể đáp ứng hai cuộc chiến tranh riêng rẽ cùng lúc.
Về Lục quân, dù xếp hạng ở mức trung bình nhưng sức sẵn sàng chiến đấu “rất mạnh”. Bộ binh xếp hạng thấp vì chỉ có 35 lữ đoàn chiến đấu - các đơn vị mang tính triển khai cơ bản nhất của Lục quân Mỹ, trong khi đó Heritage Foundation gợi ý Lục quân phải tăng con số này lên 50. Lục quân cắt giảm mạnh số lữ đoàn chiến đấu sau đợt rút quân khỏi Iraq.
Hải quân Mỹ đang trong tiến trình mở rộng quy mô với ý định có lại được sức mạnh của thời điểm cuối thế kỷ 20. Một mục tiêu của Hải quân Mỹ là tăng số tàu chiến từ 290 lên 355 tàu. Tuy nhiên, tổ chức Heritage Foundation đề xuất số lượng tàu nên tăng lên 400. Hiện tại Hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay (trong đó sáu chiếc đang không được triển khai làm nhiệm vụ vì phải sửa chữa, bảo dưỡng). Heritage Foundation đề xuất phải tăng số tàu sân bay lên 13 chiếc.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln và máy bay ném bom B-52H Stratofotress tập trận chung trên biển Ả Rập. Ảnh: SPUTNIK
Theo đánh giá của Heritage Foundation, quân chủng Thủy quân lục chiến chỉ mới đạt được 2/3 sức mạnh cần phải có với 36 tiểu đoàn.
Không quân Mỹ có 971 máy bay chiến đấu nhưng Heritage Foundation cho rằng số máy bay này phải tăng lên 1.200 chiếc. Không quân Mỹ cũng đang đối mặt với thực tế thiếu phi công. Trong khi Heritage Foundation đánh giá sức mạnh Không quân Mỹ ở mức trung bình thì báo Business Insider trước đó từng đánh giá sức mạnh này ở mức thấp.
Dù không phải là một quân chủng trong các lực lượng vũ trang Mỹ nhưng các lực lượng hạt nhân Mỹ luôn được xem là một lực lượng riêng biệt. Các tên lửa hạt nhân lớn tuổi như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất Minutemen III và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident - thành phần được xem là cốt lõi của bộ ba hạt nhân Mỹ được Heritage Foundation đánh giá chỉ có sức mạnh trung bình, bất kể thực tế Mỹ có nhiều vũ khí hạt nhân hơn bất kỳ nước nào khác. Theo Liên hiệp Các nhà khoa học Mỹ, Mỹ có tổng cộng 6.185 vũ khí hạt nhân - nhiều hơn Nga và tất cả các nước trên thế giới - nhưng hơn một nửa trong số này không sẵn sàng để sử dụng ngay lập tức.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minutemen III được đánh giá chỉ có sức mạnh trung bình. Ảnh: FLICKR
Tuy nhiên, Heritage Foundation ghi nhận kho vũ khí hạt nhân của Mỹ “đang có xu hướng phát triển mạnh hơn” với các chương trình như ngăn chặn chiến lược từ mặt đất, được thiết kế để sản xuất ra các tên lửa thay thế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minutemen III. Mỹ cũng đang xây dựng nhiều vũ khí hạt nhân mới, như hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân W76 gắn vào các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident.
Chính phủ Trump đi đúng xu hướng chính sách?
Theo Heritage Foundation, sở dĩ có tình trạng này là vì sự thiếu đầu tư của chính phủ Mỹ với quân đội. Cụ thể, các quân chủng và lực lượng hạt nhân Mỹ đã phải trải qua nhiều năm đầu tư không đúng mức, các chương trình hiện đại hóa quân đội bị điều hành kém, sự cắt giảm ngân sách đã có tác hại tiêu cực đến sự sẵn sàng và năng lực chiến đấu.
Hàng loạt tàu sân bay Mỹ tập trung ở cảng Norfolk, bang Virginia (Mỹ). Ảnh: SPUTNIK
Heritage Foundation ghi nhận Mỹ đã may mắn đi đúng xu hướng chính sách Mỹ kể từ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống đầu năm 2017. Hiện tại các nghị sĩ Mỹ đang vận động để Quốc hội thu lại chủ trương kiềm chế ngân sách thể theo Luật Kiểm soát ngân sách 2011.
Năm tài khóa 2019, ngân sách quốc phòng của chính phủ Trump là 693 tỉ USD. Ngân sách quốc phòng dự kiến cho tài khóa 2020 nhiều hơn, tới 738 tỉ USD.
Điều này đặc biệt quan trọng khi trong báo cáo chiến lược an ninh quốc gia do Nhà Trắng công bố tháng 12-2017, Nga và Trung Quốc được Mỹ xác định là “các sức mạnh theo chủ nghĩa xét lại” đang muốn phá vỡ trật tự toàn cầu đã được thiết lập cuối thời Chiến tranh lạnh năm 1991, thời gian Mỹ trở thành một siêu cường toàn cầu. Báo cáo chiến lược quốc phòng quốc gia mà Bộ Quốc phòng Mỹ công bố tháng 12-2018 nói rõ “cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, chứ không phải khủng bố, hiện là ưu tiên hàng đầu trong an ninh quốc gia Mỹ”.
Heritage Foundation là một trong những tổ chức có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, có xu hướng bảo thủ. Tổ chức này nhận tài trợ từ các tỉ phú công nghiệp, các nhà thiết kế chính sách công, từ các nhà thầu quốc phòng như Boeing, Lockheed Martin, các tập đoàn dầu mỏ như Chevron, ExonBobil - các thực thể có quyền lợi lớn và trực tiếp một khi Mỹ mở rộng quân đội.
Heritage Foundation trở nên thân thiết hơn với Nhà Trắng kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống, có ảnh hưởng đến việc bổ nhiệm nhiều quan chức chính phủ Trump.