Ngay sau khi Tướng Prayuth Chan-ocha cùng các tư lệnh quân đội và cảnh sát rời phòng họp, các binh sĩ Trung đoàn 1 đã xông vào phòng họp bắt giữ lãnh đạo các phe chính trị đối lập.
Trên truyền hình, Tướng Prayuth Chan-ocha thông báo Ủy ban Gìn giữ hòa bình quốc gia bao gồm lục quân, không quân hoàng gia và cảnh sát đã được thành lập và bắt đầu cầm quyền từ 16 giờ 30 ngày 22-5. Ông khẳng định quân đội nắm quyền lực là điều cần thiết để khôi phục trật tự, thúc đẩy cải cách chính trị.
Ngay sau khi Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố đảo chính, Ủy ban Gìn giữ hòa bình quốc gia tuyên bố cam kết bảo vệ các nhân viên ngoại giao và người nước ngoài tại Thái Lan. Ủy ban Gìn giữ hòa bình quốc gia cấm điều động binh sĩ và vũ khí mà không được phép của ủy ban này, đồng thời ban hành lệnh giới nghiêm từ 10 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Phe biểu tình chống chính phủ tuyên bố chiến thắng và yêu cầu những người biểu tình trở về nhà.
Trước khi tuyên bố đảo chính, bất đồng giữa các bên vẫn không được giải quyết. Tướng Prayuth Chan-ocha đưa ra ba đề xuất: Chính phủ tạm quyền từ chức, thành lập chính phủ lâm thời, phe áo đỏ (ủng hộ chính phủ) và Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (chống chính phủ) chấm dứt biểu tình. Đại diện đảng Pheu Thai cho biết cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (lưu vong ở nước ngoài) đã phản đối và kêu gọi đảng Pheu Thai chiến đấu bằng mọi cách theo khuôn khổ luật pháp.
Lãnh đạo phe biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban tổ chức họp với lãnh đạo các tỉnh và tiếp tục đề nghị bổ nhiệm một thủ tướng trung lập. Tại cuộc họp, Chủ tịch đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva đề xuất ba biện pháp gồm chấm dứt các hình thức bạo lực, đưa ra kế hoạch chi tiết về cải cách chính trị trước và sau bầu cử, thành lập một hệ thống bảo đảm bầu cử trong sạch và công bằng.
Trong khi đó, ông Jatuporn Prompan, lãnh đạo Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (phe áo đỏ), đã kêu gọi trưng cầu dân ý để giải quyết khủng hoảng chính trị. Thủ tướng tạm quyền Niwattumrong Boonsongpaisan đã dự kiến trong ngày 23-5 sẽ có cuộc họp nội các.
DUY KHANG